Cà phê sầu riêng, dừa và cà phê gì nữa?

Sau khi cà phê nước mắm gây sốt trên thị trường, nhiều sản phẩm cà phê phối trộn (mix) như cà phê cà sầu riêng, dừa cũng đẩy mạnh quảng bá

Sau khi món cà phê nước mắm gây sốt trên thị trường và người làm ra món này đã thiết kế logo, nhãn hiệu và có kế hoạch mở quán cà phê nước mắm trong vòng 1 tháng tới tại TP HCM thì nhiều thương hiệu khác cũng đẩy mạnh quảng bá các loại cà phê phối trộn (mix).

Tại Triển lãm Quốc tế Cà phê, Trà và Bánh ngọt (Coffee Expo Vietnam 2024) đang diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (kết thúc ngày 2-11) có nhiều gian hàng giới thiệu cà phê hòa tan phối trộn nhiều nông sản thu hút nhiều khách đến dùng thử. 

Tại gian hàng Viva Star Coffee, nhiều khách thích thú khi được mời dùng thử cà phê sầu riêng với mùi thơm đặc trưng của cả 2 đặc sản Việt Nam là cà phê sầu riêng. Trong khi đó, cà phê dừa lại có vị béo và thơm của dừa.

Nhân viên gian hàng cho biết đây là cà phê hòa tan được công ty xuất khẩu nên trên bao bì in theo nhãn sản phẩm xuất khẩu. Đây là lần đầu sản phẩm được giới thiệu tại thị trường trong nước.

Cà phê sầu riêng, dừa và cà phê gì nữa?- Ảnh 1.

Cà phê sầu riêng, là dòng cà phê hòa tan đã được xuất khẩu

Khi phóng viên hỏi về hàm lượng sầu riêng trong cà phê thì nhân viên tiết lộ đây là "hương sầu riêng". Chúng tôi đã thử liên hệ nhiều lần với lãnh đạo công ty này để hỏi thêm thông tin nhưng không nhận được phản hồi.

Một số vị khách cũng đã mua sản phẩm sau khi dùng thử thấy thích với giá 79.000 đồng/hộp.

Cà phê sầu riêng, dừa và cà phê gì nữa?- Ảnh 2.

Khách hàng mua thử cà phê

Tổng Công ty cà phê Việt Nam cũng vừa ra mắt 3 sản phẩm mới, trong đó có cà phê hòa tan vị dừa. Theo thành phần được ghi trên nhãn thì bột sữa dừa chiếm 28,5% còn cà phê hòa tan chiếm 11%.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (thương hiệu Meet More), cho biết cách đây 5 năm, khi Meet More tiên phong đưa nông sản vào cà phê đã nhận được sự phản ứng dữ dội, rất nhiều lời chê trách của giới kinh doanh và chuyên gia cà phê bởi quan điểm "cà phê phải là cà phê".

Thế nhưng hiện nay, đây lại là xu thế vì chỉ có chế biến sâu mới gia tăng được giá trị cho cà phê và nâng tầm nông sản Việt. Vừa qua có cà phê nước mắm được cộng đồng mạng bàn tán nhiều, cũng như trước đó, ở Trung Quốc còn có cà phê thịt heo cho thấy sự sáng tạo là không ngừng.

Đến nay, Meet More có khoảng 10 loại cà phê nông sản, trong đó, cà phê dừa và cà phê khoai môn bán chạy nhất, sau đó là cà phê đậu xanh, cà phê bạc hà và công ty đang nghiên cứu phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm nữa.

Cà phê sầu riêng, dừa và cà phê gì nữa?- Ảnh 3.

Cà phê hòa tan dừa

Cà phê sầu riêng, dừa và cà phê gì nữa?- Ảnh 4.

Cà phê vị dừa là một trong 3 sản phẩm mới vừa ra mắt của Tổng công ty Cà phê Việt Nam

"Cà phê có thể phối trộn với nhiều nông sản, nhưng không phải nông sản nào cũng được mà cần phải có nghiên cứu kỹ với sự tham vấn của các nhà khoa học. Ví dụ như cà phê không thể kết hợp với sầu riêng dù hương vị rất hấp dẫn. Trước đây, Meet More có 1 lô cà phê sầu riêng xuất khẩu sang Nhật Bản đã bị chặn lại với lý do sản phẩm không tốt cho sức khỏe" – ông Luận nói.

Ông Luận giải thích thêm, cà phê nhiều cafeine, sầu riêng đạm cao nên khi kết hợp có thể gây ép tim. Nhiều người vô tình ăn sầu riêng xong uống cà phê đã gặp tình huống khó chịu này. "Tất nhiên là bột sầu riêng thật, không hương liệu thì không sao" – ông Luận nói thêm.

Giá cà phê tiếp tục giảm mạnh

Sáng 2-11, kết thúc phiên giao dịch hàng hóa trên sàn London (Anh), giá cà phê Robusta tiếp tục có một phiên giảm sâu với kỳ hạn giao tháng 7-2025 về sát 4.000 USD/tấn (mức 4.075 USD/tấn). Ở kỳ hạn giao hàng tháng 1-2025, giá cà phê Robusta giảm 90 USD/tấn so với phiên hôm trước, còn 4.279 USD/tấn. So với cuối tuần trước, cũng kỳ hạn này, giá cà phê đã mất 132 USD/tấn.


Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/ca-phe-sau-rieng-dua-va-ca-phe-gi-nua-a104842.html