Nhiều bạn trẻ gặp khó khăn khi tìm việc thì thiếu chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Ảnh: Phương Lâm. |
Cuối năm 2022, L.C. nhận bằng tốt nghiệp đại học dù một năm trước đó đã hoàn thành các học phần theo chương trình đào tạo.
“Lý do là mình nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Học mãi, thi mãi không đạt, mình chán nản, còn tính không lấy bằng tốt nghiệp”, L.C. - 25 tuổi, cựu sinh viên một trường đại học thuộc khối kỹ thuật ở Hà Nội - chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Không riêng C., nhiều sinh viên cũng gặp khó khăn trong việc hoàn thành chương trình học và không thể ra trường đúng hạn do chưa đạt yêu cầu về chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Khó đủ đường vì thiếu chuẩn đầu ra ngoại ngữ
L.C. cho biết theo yêu cầu của trường, sinh viên khối ngành kỹ thuật phải đạt chứng chỉ TOEIC 450 (hoặc ngoại ngữ khác tương đương) mới đủ điều kiện bảo vệ đồ án tốt nghiệp và ra trường.
Những năm đầu đại học, C. cũng xác định chuẩn đầu ra ngoại ngữ là vấn đề quan trọng. Nam sinh đăng ký 2 học phần tiếng Anh tại trường, song vốn tiếng Anh “như tờ giấy trắng", C. học không vào, thi không qua.
Chán nản, tới năm cuối đại học, nam sinh mới đăng ký khóa học bên ngoài. Nhưng không như dự kiến, C. thi không đạt, không đạt điều kiện bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Nam sinh “ngậm ngùi" nhìn các bạn ra trường.
C. từng có suy nghĩ không lấy bằng tốt nghiệp, nhưng nếu không lấy, C. gặp khó trong quá trình xin việc. Nam sinh kể nhiều doanh nghiệp từ chối, có nơi chấp nhận tuyển dụng nhưng không ký hợp đồng chính thức hoặc trả mức lương thấp hơn cho đến khi có bằng.
“Những tháng sau đó, mình ‘nhồi nhét' học tiếng Anh, học mẹo, học tủ, chật vật mãi, cuối cùng cũng đạt đủ điều kiện. Ra trường muộn một năm, mình tiếc thời gian, công sức, tiền bạc”, C. chia sẻ.
P.N. không được nhà tuyển dụng đánh giá cao vì chưa tốt nghiệp do thiếu chứng chỉ ngoại ngữ. Ảnh minh họa: Pexels. |
Trong khi đó, cần chứng chỉ tiếng Anh B2 để tốt nghiệp đại học, thế nhưng, P.N. (23 tuổi, sống tại TP.HCM) vẫn chưa thi được và đành chấp nhận tốt nghiệp muộn hơn so với bạn bè cùng khóa.
Hiện, khi bạn bè đã cầm bằng tốt nghiệp và đi làm khoảng một năm, N. vẫn vật vã với chuyện tìm việc. Thời gian qua, N. đã phải nhảy việc qua 3 công ty khác nhau, tất cả lý do đều liên quan tấm bằng đại học.
Công ty đầu tiên, N. được nhận vào làm suôn sẻ, công ty không hỏi đến bằng đại học. Nhưng trước ngày nhận lương đầu tiên, cô được thông báo phải nộp các giấy tờ liên quan học vấn mới được công ty trả lương.
Dù đã trình bày với công ty về việc chậm tốt nghiệp do thiếu chứng chỉ tiếng Anh, N. vẫn không được chấp nhận. Kết quả, cô nghỉ việc, mất trắng tháng lương đầu tiên.
Lần ứng tuyển tiếp đó, công ty cũng không yêu cầu nộp bằng tốt nghiệp trong vòng phỏng vấn. Nhưng đến ngày nhận việc đầu tiên, N. lại được yêu cầu nộp bằng cấp để công ty hoàn thiện hồ sơ nhân viên. Cũng vì chưa có bằng, cô lại đành nghỉ việc.
Hiện, N. làm việc ở một công ty không yêu cầu bằng cấp. Nhưng do không có bằng đại học, cô bị đánh giá thấp hơn những nhân viên khác, mức lương cũng thấp hơn. Điều này khiến cô phải nghĩ lại về việc trau dồi tiếng Anh để nhanh chóng lấy bằng tốt nghiệp, sau đó tìm một công việc tốt hơn.
“Mình từng rất sợ khi nghĩ đến việc thi chứng chỉ tiếng Anh, nhưng giờ mình đã phải nghĩ khác đi. Nếu không có chứng chỉ tiếng Anh đầu ra, mình sẽ không thể lấy bằng tốt nghiệp. Bốn năm đại học của mình sẽ coi như bị bỏ phí”, N. nói.
Lý do nhiều sinh viên không đạt chuẩn tiếng Anh
Trao đổi với Tri Thức - Znews về chuẩn đầu ra tiếng Anh dành cho sinh viên, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, đại diện phòng Truyền thông của Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), cho biết mỗi trường sẽ có chuẩn đầu ra tiếng Anh riêng dành cho sinh viên và có thể tùy theo từng ngành.
Lấy ví dụ tại HUTECH, đối với sinh viên các ngành học không chuyên ngữ, các bạn phải có chứng nhận ngoại ngữ tương đương chuẩn B1 theo Khung tham chiếu châu Âu CEFR, tương đương trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Quốc gia Việt Nam, do nhà trường sát hạch.
Đây là mức chuẩn đầu ra ngoại ngữ cơ bản, phù hợp với sinh viên thuộc những ngành học không chuyên ngoại ngữ hoặc không yêu cầu kỹ năng cao, đảm bảo các em có thể vận dụng tiếng Anh trong các cuộc hội thoại hàng ngày, giao tiếp trong công việc và diễn đạt ý kiến cá nhân.
ThS Dung nhận định hiện nay, trình độ tiếng Anh của các bạn trẻ đã chuyển biến tích cực so với trước đây, số lượng sinh viên đạt được các chứng chỉ quốc tế, được miễn thi tiếng Anh, sử dụng tiếng Anh thành thạo tăng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận sinh viên còn gặp khó khăn trong quá trình học ngoại ngữ và chưa đảm bảo được yêu cầu chứng chỉ đầu ra của các trường đại học, dẫn đến tốt nghiệp muộn hơn so với kế hoạch.
Đây là điều rất đáng tiếc bởi sinh viên không chỉ phải trì hoãn tốt nghiệp muộn hơn các bạn cùng trang lứa, mà hạn chế về ngoại ngữ còn sẽ làm mất đi những cơ hội việc làm triển vọng.
Đại diện HUTECH chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một bộ phận sinh viên còn gặp khó khăn với chuẩn đầu ra ngoại ngữ, ví dụ như các bạn có thể chưa xác định rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ trong học tập và công việc, do đó chưa đề ra kế hoạch trau dồi hợp lý trong thời gian ở đại học.
Ở năm 1-2, các bạn chưa dành nhiều thời gian cho việc rèn luyện nâng cao năng lực ngoại ngữ. Nên đến năm cuối, vì phải bận rộn hoàn thành chương trình đào tạo, tham gia kỳ thực tập, các bạn không thể tập trung cho việc học và thi chứng chỉ ngoại ngữ, dẫn đến chưa thể đáp ứng điều kiện tốt nghiệp do trường đặt ra.
Sinh viên không đầu tư học tiếng Anh ngay từ đầu sẽ có nguy cơ tốt nghiệp muộn vì thiếu đầu ra ngoại ngữ. Ảnh minh họa: Pexels. |
Ngoài ra, một số sinh viên có thể do nền tảng ngoại ngữ chưa tốt, nảy sinh tâm lý áp lực, còn e ngại, né tránh việc học ngoại ngữ. Vì điều này, đến lúc cần phải bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra, các bạn lại vội vã tham gia những khóa học cấp tốc. Đáng tiếc là học trong thời gian ngắn thì thường rất khó đảm bảo như yêu cầu.
Một nguyên nhân khác ThS Dung đề cập là chương trình đào tạo đại học chính quy phần lớn giảng dạy bằng tiếng Việt. Do đó, môi trường để sinh viên trau dồi khả năng ngoại ngữ cũng sẽ có phần hạn chế. Một số em còn phải đối mặt với vấn đề kinh phí để học thêm ngoại ngữ, vì vậy không tránh khỏi gặp phải khó khăn với tiếng Anh nên không thể tốt nghiệp đúng hạn.
Cũng nói về chủ đề này, đại diện Đại học Thương mại cho biết ở khóa sinh viên tốt nghiệp gần nhất, khoảng 30% sinh viên của trường chậm tốt nghiệp, lý do chủ yếu là các em chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Vị này đánh giá chuẩn ngoại ngữ là rào cản khá lớn, nguyên nhân có thể xuất phát từ chất lượng đầu vào ngoại ngữ của sinh viên thấp. Các em đến từ các vùng nông thôn, hoàn cảnh khó khăn hơn để tiếp cận ngoại ngữ. Trong khi đó, chương trình tiếng Anh ở bậc đại học lại nặng, cũng không đủ thời lượng để dạy lại các em, nên nếu đầu vào thấp, các em khó theo kịp.
Bên cạnh đó, một số sinh viên ngại học, mải đi làm thêm để trang trải học tập hoặc tập trung học chương trình chính khóa, sắp xếp thời gian không khoa học nên thiếu thời gian học ngoại ngữ. Chỉ khi gần tốt nghiệp, các em mới bắt đầu học.
Trường đại học hỗ trợ
Vị đại diện Đại học Thương mại nhận định chuẩn đầu ra ngoại ngữ là công cụ để sinh viên tham gia vào thị trường lao động, đáp ứng được nền kinh tế quốc tế. Để hỗ trợ sinh viên, Đại học Thương mại có trung tâm ngoại ngữ tổ chức giảng dạy tiếng Anh cho các em. Trường cũng liên kết với một số trung tâm bên ngoài, có ưu tiên cho sinh viên nếu đăng ký học.
Ngoài ra, trường cũng mở thêm các học phần tiếng Anh tăng cường do chính giảng viên ngoại ngữ của trường giảng dạy. Thậm chí, trường cũng mở học phần này học vào buổi tối để hỗ trợ về mặt thời gian cho sinh viên. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên đăng ký học chỉ khoảng 30-40%.
“Bên cạnh đó, nếu sinh viên không có gốc ngoại ngữ, chương trình học tiếng Anh ở đại học không đủ thời lượng thể đảm bảo các em đạt chuẩn đầu ra. Vì vậy, cùng với học ở trường, các em cần phải chủ động tự học, tự trau dồi thêm", vị đại diện nói.
Từ thực tế của mình, đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên, L.C. cho rằng với những bạn kém ngoại ngữ từ bậc phổ thông, khi vào đại học, các em nên bắt đầu từ sớm, ngay từ năm nhất, năm hai.
“Học ngoại ngữ là quá trình dài, không thể ngày một ngày hai hay qua vài khóa học là thành thạo. Vì vậy, các bạn nên bắt đầu sớm và nghiêm túc, kiên trì với nó", C. chia sẻ.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/cham-ra-truong-kho-tim-viec-vi-no-chuan-dau-ra-ngoai-ngu-a104814.html