Ai dẫn đầu trong cuộc chiến sàn thương mại điện tử ở Việt Nam?

Sau 12 năm ra mắt, thị phần Lazada co lại còn 7,6%, trong khi TikTok Shop 2 năm ra mắt đang vươn lên mạnh mẽ.

TikTok Shop tăng trưởng mạnh mẽ

Thị trường Việt Nam hiện tại xoay quanh 5 sàn thương mại điện tử nổi bật nhất là Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki, và Sendo. Theo báo cáo mới được Metric phát hành, 9 tháng đầu năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam với doanh số trên 5 sàn này lên đến 227.700 tỷ đồng, tương đương 9,5 tỷ USD, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023.

Ai dẫn đầu trong cuộc chiến sàn thương mại điện tử ở Việt Nam?- Ảnh 1.

Thị phần của 5 sàn thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam, phần lớn chi phối bởi Shopee và TikTok Shop. (Nguồn: Vietdata)

Còn trong năm 2023, doanh thu 5 sàn này đạt 232.100 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Thời điểm cuối năm 2023, Shopee vẫn đứng đầu với hơn 70% thị phần, xếp thứ 2 là Lazada và tiếp đến là TikTok Shop. Tuy nhiên, từ quý I/2024, các báo cáo ghi nhận sự phân chia lại thị phần, với kết quả đứng đầu là Shopee, nhưng vị trí thứ 2 đã đảo từ Lazada sang TikTok Shop.

Đến giữa năm nay, theo tính toán của Metric, Shopee tiếp tục dẫn đầu với doanh thu 53.740 tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần. Xếp thứ 2 là TikTok Shop với 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Lazada chỉ đạt 6.030 tỷ đồng, chiếm 7,6% thị phần và Tiki vỏn vẹn 1,3% thị phần với 997,06 tỷ đồng.

Theo Metric, trong nửa đầu năm, đặc biệt là quý 2, trong khi nhiều sàn như Lazada, Tiki tăng trưởng âm so với cùng kỳ thì TikTok Shop và Shopee vẫn vững vàng đi lên. Trong đó, TikTok Shop tăng hơn 150% còn Shopee tăng gần 66% về doanh số so với cùng kỳ năm trước.

Sang quý III, TikTok Shop tiếp tục bứt phá về doanh số, với mức tăng đến hơn 110% so với cùng kỳ 2023 còn Shopee chỉ tăng hơn 11%. Nếu so với quý II, TikTok Shop tăng 34,7% còn Shopee tăng 16,7%.

Riêng Tiki dù vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ nhưng đã có khởi sắc so với quý II/2024, với mức tăng 38%. Trong khi đó, doanh số Lazada và Sendo liên tục đi xuống theo từng tháng.

“Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng, TikTok Shop đã nhanh chóng đạt mức tăng trưởng doanh số gấp đôi, thể hiện chiến lược hiệu quả trong việc kết hợp giữa mô hình mua sắm và giải trí”, báo cáo của Metric cho biết.

Ai dẫn đầu trong cuộc chiến sàn thương mại điện tử ở Việt Nam?- Ảnh 2.

Việt Nam nằm trong số 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới. (Ảnh minh họa: TL)

Sàn TMĐT Trung Quốc đi sau chiếm thị trường

TikTok Shop là một tính năng thương mại điện tử được tích hợp trong ứng dụng TikTok, gia nhập thị trường Việt Nam cuối tháng 4/2022. Ra đời trễ nhất, sàn này có hướng đi khác biệt với 4 sàn còn lại, không theo kiểu mua sắm truyền thống của thương mại điện tử mà theo đuổi mô hình shoppertainment - kết hợp giữa mua sắm và giải trí.

Nền tảng này cung cấp các loại dịch vụ giúp người dùng giải trí khi xem video; từ giải trí nhằm phục vụ học tập, như các kỹ năng nấu ăn, học tiếng Anh và cung cấp dịch vụ giải trí để mua sắm. Tức người xem TikTok khi thấy người khác mua, sẽ phát sinh hành vi mua.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi mua - hủy/trả hàng cũng được đẩy mạnh khiến người tiêu dùng hào hứng.

Thống kê của Vietdata cho thấy chỉ vài tháng sau khi ra mắt, TikTok Shop đã vượt Tiki và Sendo, vươn lên vị trí thứ 3 trong danh sách 5 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Riêng doanh số trong tháng 11/2022 của nền tảng này tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki.

Năm 2023, TikTok Shop có doanh thu thuần gần 890 tỷ đồng, tăng khoảng 80% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế 32 tỷ đồng. Các phiên livestream bán hàng đưa TikTok Shop vượt Lazada giành vị trí thứ 2 ngay quý I/2024. Số lượng nhà bán hàng qua sàn này tăng hơn 400%, bằng cả Lazada và Tiki cộng lại.

Báo cáo từ TikTok Shop cũng cho thấy nửa đầu năm 2024, số lượt tìm kiếm sản phẩm của người dùng trên nền tảng này tăng 79% so với năm 2023. Còn các chiến dịch Flash Sale ghi nhận tăng trưởng gấp 4 lần so với cùng kỳ, trong khi doanh số từ các phiên livestream bán hàng tăng đến 153%.

Ai dẫn đầu trong cuộc chiến sàn thương mại điện tử ở Việt Nam?- Ảnh 3.

Những phiên livestream bán hàng bùng nổ khiến TikTok Shop vượt mặt Lazada chỉ sau hơn 1 năm gia nhập thị trường. (Ảnh minh họa: TL)

Nền tảng này vẫn tiếp tục đầu tư gấp 4 lần cho các hoạt động nhằm tăng cường quy mô tiếp cận và trải nghiệm người dùng mùa Mega Sale 2024, đồng thời giới thiệu loạt giải pháp đáp ứng các nhu cầu của nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung. Bên cạnh đó, nền tảng này còn cung cấp bộ công cụ quảng cáo giúp thương hiệu chuyển đổi lượt xem và lượt nhấp chuột của người mua thành lượt thanh toán.

Trong khi đó, Shopee, sàn thương mại điện tử đang chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam với gần 70%, và được cho là đối thủ lớn nhất của Temu, cũng đang bị đe dọa trước sự bứt phá của TikTok Shop.

Shopee thành lập bởi Tập đoàn SEA có trụ sở tại Singapore, xuất hiện tại thị trường Việt Nam năm 2015. Báo cáo từ Vietdata cho thấy năm 2023, doanh thu thuần của Shopee đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2022. Tuy nhiên, ông lớn này lại có lợi nhuận sau thuế giảm 50% so với năm trước, đạt hơn 1.400 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Shopee liên tục tung các chính sách gia tăng sức cạnh tranh, trong đó có chính sách đổi trả hàng, kéo dài thời gian trả hàng và hoàn tiền lên đến 15 ngày kể từ thời điểm giao hàng thành công.

Từ năm 2019, Shopee đã đi trước với livestream. Tuy nhiên hiện nay, ông lớn này phải làm mới lại để cạnh tranh với TikTok Shop, tập trung vào vào các danh mục hàng hóa như thời trang, sức khỏe và sắc đẹp. Shopee cũng cho phép người mua huỷ đơn hàng ngay cả khi hàng đang vận chuyển, để giảm sự chia sẻ thị phần, kéo khách hàng.

Thông tin được các đơn vị nghiên cứu thị trường cập nhật, thị trường thương mại điện tử Việt Nam không chỉ có sự chi phối của 3 sàn nước ngoài đang độc chiếm thị phần là Shopee, TikTok Shop, Lazada và ồn ào đổ bộ của Temu từ tháng 10/2024, mà nhiều sàn Trung Quốc giá rẻ khác như 1688, Taobao cũng đe dọa, làm gia tăng áp lực cạnh tranh.

Mới đây, YouTube công bố hợp tác với Shopee để ra mắt dịch vụ YouTube Shopping tại Indonesia, cho phép người dùng mua sắm trực tiếp từ video qua Shopee. Dịch vụ này được cho sẽ sớm mở rộng sang Thái Lan và Việt Nam.

Sự cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử đang ngày càng gay gắt. Báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy năm 2023, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tổng doanh thu gần 498.900 tỷ đồng.


Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/ai-dan-dau-trong-cuoc-chien-san-thuong-mai-dien-tu-o-viet-nam-a104781.html