Temu nhanh chóng tạo ra làn sóng bàn luận, chia sẻ link giới thiệu sôi nổi khắp các diễn đàn, cộng đồng tại Việt Nam nhờ khoản trả thưởng hậu hĩnh. Trong giới làm MMO (kiếm tiền online) nhiều người đánh giá hoa hồng tiếp thị của sàn này là cơ hội mới để thu lợi. Họ nhanh chóng nhập cuộc với tâm lý fomo, sợ bỏ qua cơ hội kiếm tiền.
Tuy nhiên, hình thức affiliate vốn đang gây tranh cãi, bị lợi dụng tại Việt Nam. Mức tiền thưởng cao bất thường từ sàn TMĐT xuyên biên giới có thể khiến mô hình bị biến tướng, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Khi affiliate bị lợi dụng
Tiếp thị liên kết (affiliate) là hình thức quảng bá sản phẩm nhận hoa hồng dựa trên đường dẫn. Mô hình này xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, tồn tại nhiều năm qua. Hiện ở Việt Nam, việc kiếm tiền affiliate chủ yếu tập trung vào các sàn TMĐT như Shopee, Lazada.
Giải pháp này ngày càng được ưa chuộng khi giúp nhãn hàng nắm được hiệu quả của các chiến dịch truyền thông, đo lường mức độ chuyển đổi. Mặt khác, đây cũng là nguồn thu nhập thụ động cho người có sức ảnh hưởng, trang thông tin nhiều truy cập hoặc cộng đồng chuyên môn.
Đường dẫn bán hàng trên Temu bắt đầu được "rải thảm" trên các mạng xã hội. |
Tuy nhiên gần đây, hình thức tiếp thị này bị biến tướng, lợi dụng trên các mạng xã hội. Cụ thể, bên dưới các nội dung xu hướng, nhận được lượng lớn quan tâm, xuất hiện nhiều tài khoản ảo “rải thảm” bình luận tự động. Thông tin lập trình sẵn được ngụy trang dưới dạng đường dẫn Facebook hoặc trang báo uy tín. Tuy nhiên khi nhấn vào, trình duyệt lại tự điều hướng đến sàn TMĐT.
“Bài đăng nào trên Facebook cũng toàn tài khoản ảo ‘spam’ đường dẫn bán hàng. Nhiều người còn lập trình những nội dung rất phản cảm, đồi trụy, chặn hoài cũng không hết được”, Lê Minh, nhân viên văn phòng ngụ tại TP.HCM chia sẻ trải nghiệm.
Ngoài “rải thảm” link bán hàng trên mạng xã hội, đường dẫn affiliate còn được ẩn vào những trang đồi trụy, phim lậu, bóng đá không bản quyền.
Các mạng lưới quảng cáo đa quốc gia thường đứng sau mô hình này, vì network lớn không chấp nhận tiếp thị với website trái pháp luật. Ví dụ trang phimm**.net từng làm việc với Skimlinks, do công ty Conexity đến từ Anh điều hành. Công cụ này được ưa chuộng nhờ mạng lưới affiliate nằm ở nhiều lĩnh vực và ít kiểm duyệt.
Temu trả thưởng cho nhiều hạng mục với số tiền lớn. |
“Hạn chế của Skimlinks là hệ thống này thu phí hoa hồng của trang web rất cao, khoảng 25%. Đồng thời chương trình hỗ trợ của nền tảng rất kém”, ông Hoàng Hữu Thắng, chuyên gia đến từ công ty quảng cáo S.Solution trả lời Tri Thức - Znews.
Mặt khác, việc người dùng bấm vào link nhưng không mua, vẫn có thể đem lại thu nhập cho bên cung cấp. Lý do là sàn tính doanh thu cho lượt bấm vào đường dẫn giới thiệu cuối cùng, trong một khoảng thời gian nhất định trên tài khoản. Điều này đồng nghĩa nếu người dùng phát sinh đơn hàng bất kỳ sau khi bị lừa nhấn vào link affiliate, kẻ gian vẫn thu được lợi.
Mỏ vàng cho MMO bẩn
Thực tế, những hình thức tiếp thị liên kết như trên đều bị các sàn cấm trong quy định chính sách. Ví dụ, dạng clickbait (đường dẫn lừa đảo) hay dẫn quảng cáo từ các trang vi phạm pháp luật đều không được Shopee, Lazada chấp nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên theo một số người chuyên làm MMO, sàn thường không kiểm soát hết vì khó phát hiện.
Shopee phạt tiền tài khoản làm affiliate bẩn. Ảnh: Th. |
Trong đợt truy quét gần đây, nhiều tài khoản affiliate bị Shopee khóa với lý do như trên. Mặt khác, sàn cũng yêu cầu bồi hoàn 10 triệu đồng, cũng là mức hình phạt cao nhất khi đối tác tiếp thị vi phạm. Đây là một phần trong nỗ lực ngăn chặn các hình thức lạm dụng affiliate để kiếm tiền bất chính.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Temu có thể làm vấn đề trầm trọng hơn. Đây là nền tảng mới xâm nhập thị trường, cần lượng truy cập ban đầu, sẵn sàng trả nhiều tiền cho tiếp thị liên kết.
“Temu trả hoa hồng cao vượt trội. Sàn này chi 150.000 đồng chỉ bằng việc tải app, lập tài khoản. Trong khi đó ở Shopee, phải bán được món trên 5 triệu mới nghĩ đến con số này. Mặt khác, nhiều shop còn giới hạn tiền hoa hồng tối đa ở 10.000-50.000 đồng”, ông Võ Hiếu, người chuyên làm affiliate trả lời Tri Thức - Znews.
Theo người này, việc “spam” đường dẫn tiếp thị với số lượng lớn có thể đem lại thu nhập cao cho những người đứng sau vận hành. Trung bình với 1.000 lượt click mỗi ngày cho Shopee, Lazada, họ có thể kiếm khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Dựa trên mức hoa hồng cam kết mà Temu đưa ra, lợi nhuận tăng lên gấp nhiều lần.
“Sàn này còn là đơn vị quốc tế, mới vào Việt Nam nên chưa hiểu hết thị trường, quy định còn lỏng lẻo. Đây là cơ hội cho những chiêu trò kiếm tiền ‘bẩn’, trục lợi chính sách hoành hành”, ông Q.H., người có nhiều năm làm việc trong mảng TMĐT tại Việt Nam, chia sẻ quan điểm.
Chất lượng, độ bền hàng hóa trên Temu vẫn chưa được kiểm chứng. |
Mặt khác, sản phẩm trên Temu hiện đa phần là dạng no-brand (không thương hiệu), giá trị thấp và được cung ứng xuyên biên giới. Rất khó tìm thấy món hàng trên 1 triệu đồng ở nền tảng này. Chất lượng thực tế, độ bền của sản phẩm cũng chưa được kiểm chứng.
Nhiều người dùng tại các thị trường Temu có mặt như Mỹ, châu Âu cho biết sàn này thường mô tả bằng hình ảnh giả, thông tin gây hiểu nhầm. Việc tiếp thị thiếu trách nhiệm có thể khiến khách hàng trong nước bị lừa, mua phải sản phẩm kém chất lượng.
Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/he-luy-khi-temu-tra-hoa-hong-cao-khong-tuong-o-viet-nam-a104743.html