U mỡ và bướu tuyến giáp chèn ép khí quản

TP HCMAnh Trí, 45 tuổi, vừa có bướu vừa có u mỡ to ở tuyến giáp chèn ép các cấu trúc quan trọng trong cổ nên hay khó thở.

U mỡ (lipoma) là khối u lành tính thường gặp, hình thành từ mô mỡ, thường xuất hiện ở thân, cổ, lưng, đùi, cánh tay. Ngày 1/11, ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết u mỡ như anh Trí ở tuyến giáp rất hiếm. "Hơn 20 năm trong nghề, lần đầu tiên tôi gặp bệnh nhân có u mỡ ở vị trí thùy giáp", bác sĩ Hằng nói.

Anh Trí có bướu giáp nhân lành tính ở thùy giáp phải 10 năm nay, nhân giáp nhỏ chưa cần điều trị. Hai năm trước cổ to ra, anh thỉnh thoảng khó thở nhẹ, khám tại bệnh viện địa phương không phát hiện bất thường. Gần đây anh mệt, khó thở nhiều hơn, cổ phình to nên đến bệnh viện Tâm Anh khám.

Bác sĩ Hằng chẩn đoán anh Trí có nhân giáp bên phải kích thước 38x27x63 mm, khả năng ác tính thấp. U mỡ ở vùng thùy giáp trái, kích thước 82x35x84 mm chèn ép thùy giáp, đẩy lệch khí quản sang phải, dễ nhầm là bướu giáp to.

Theo ThS.BS Phan Vũ Hồng Hải, khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đa số u mỡ hình thành dưới da, dễ dàng nhìn và sờ thấy được nên dễ chẩn đoán ở giai đoạn đầu. Riêng u mỡ của anh Trí nằm ngay thùy giáp, rất khó nhận biết ở thời điểm mới hình thành. "Hiếm có khối u mỡ nào đạt đến kích thước 8-9 cm vì thường dưới 3 cm là đã có chỉ định phẫu thuật", bác sĩ Hải nói.

Vùng cổ bệnh nhân sưng to do có u mỡ và bướu giáp. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Vùng cổ bệnh nhân sưng to do có u mỡ và bướu giáp. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là cắt u mỡ, thùy phải tuyến giáp để tránh nguy cơ suy hô hấp, theo bác sĩ Hằng. Quá trình phẫu thuật bướu cổ lớn gây khó khăn, dễ gây biến chứng chảy máu, thay đổi cấu trúc giải phẫu vùng cổ. Sau gần ba giờ, ca mổ thành công.

Ngày đầu tiên sau phẫu thuật, bệnh nhân không gặp biến chứng khàn tiếng hay tê tay, triệu chứng khó thở cải thiện rõ rệt. Anh xuất viện sau ba ngày, kết quả giải phẫu bệnh xác định bướu giáp lành tính.

Bác sĩ Hằng tư vấn cách chăm sóc vết mổ, chế độ ăn uống, sinh hoạt cho anh Trí trong ngày tái khám. Ảnh: Hạ Vũ

Bác sĩ Hằng tư vấn cách chăm sóc vết mổ, chế độ ăn uống, sinh hoạt cho anh Trí trong ngày tái khám. Ảnh: Hạ Vũ

U mỡ phát triển chậm và không lây lan (di căn), có xu hướng di truyền, phổ biến hơn ở tuổi 40-60. Cách giảm nguy cơ phát triển u mỡ là ăn uống khoa học, chăm tập thể dục thể thao, hạn chế dung nạp nhiều đường, thường xuyên kiểm tra cơ thể nhằm sớm phát hiện khối u. Khi sờ thấy khối u, nên đến bệnh viện để bác sĩ xác định u lành hay ác tính. Sau điều trị cắt bỏ u mỡ, người bệnh cần tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.

Khi vùng cổ phình to bất thường kèm khó thở, khó nuốt, thay đổi giọng nói hoặc khàn tiếng, người bệnh cần đi khám tầm soát bệnh lý tuyến giáp. Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên hoặc người có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp nên đi khám định kỳ và kiểm tra chức năng tuyến giáp.

Thu Hà

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/u-mo-va-buou-tuyen-giap-chen-ep-khi-quan-a104742.html