Ne'Kiya Jackson (bên trái) và Calcea Johnson. Ảnh: WWLTV. |
Hai nữ sinh đến từ New Orleans (Mỹ). Hiện, họ đã là các sinh viên đại học. Mới đây, công trình của họ về định lý Pitago được đăng tải trên tạp chí The American Mathematical Monthly, một trong những tạp chí toán học uy tín nhất Mỹ, trong số phát hành ngày 28/10.
Trước đó, năm 2023, hai nữ sinh trở thành những người trẻ tuổi nhất trình bày trong một hội nghị của Hiệp hội Toán học Mỹ ở Atlanta. Thành công này đã được chia sẻ trên chương trình 60 Minutes của CBS. Cặp đôi này cũng nhận được chìa khóa danh dự của thành phố New Orleans.
"Tôi rất ngạc nhiên khi nghiên cứu của chúng tôi được xuất bản trên một tờ báo ở độ tuổi còn trẻ như vậy", Calcea Johnson, sinh viên năm hai chuyên ngành Kỹ thuật môi trường tại Đại học bang Louisiana (Mỹ), chia sẻ.
"Tôi không nghĩ nó sẽ đi xa đến thế", Ne'Kiya Jackson, người đang theo đuổi ngành Dược tại Đại học Xavier của Louisiana (Mỹ), nói.
Định lý Pitago thường được tóm tắt là trong một tam giác vuông, bình phương của cạnh huyền (cạnh đối diện với góc vuông) sẽ bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông. Nguyên lý này có từ hơn 2.000 năm trước và trở thành "trụ cột" trong ngành Toán học.
Theo CNN, qua nhiều năm, nhiều nhà Toán học đã lý giải tại sao định lý này hoạt động bằng cách sử dụng đại số và hình học. Trong khi đó, Jackson và Johnson chứng minh nó bằng cách sử dụng lượng giác - một điều từng được cho là không thể - và sau đó đã tìm ra thêm nhiều bằng chứng tương tự.
Các chuyên gia mô tả cách tiếp cận của Jackson và Johnson đặc biệt khó khăn vì lượng giác là một lĩnh vực dựa trên định lý Pitago. Do đó, sử dụng lượng giác để chứng minh định lý thường đòi hỏi "luận chứng vòng tròn".
Tuy nhiên, Jackson và Johnson đã tìm cách sử dụng lượng giác mà không rơi vào vòng lặp logic để chứng minh định lý Pitago.
Ông Tom Murdoch, giáo sư danh dự tại trường Toán học của Đại học Bristol (Vương quốc Anh), đánh giá nghiên cứu này "ấn tượng".
Nghiên cứu của Jackson và Johnson phác thảo 5 cách mới để chứng minh định lý bằng cách sử dụng lượng giác, sau đó, họ tiếp tục tìm ra một định dạng chung có khả năng tạo ra ít nhất 5 bằng chứng bổ sung. Tổng cộng là 10 bằng chứng.
"Tôi nghĩ đôi khi, việc có rất ít kiến thức về vấn đề này lại có lợi, bạn không bị ràng buộc bởi những gì đã xảy ra trước đây. Nhìn vào định lý với đôi mắt tươi mới - tôi nghĩ họ đã làm vậy - là điều thực sự ấn tượng", GS Murdoch nói.
Johnson chia sẻ cô rất vui khi có thể cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu, thấy những gì có thể đạt được trong một lĩnh vực được cho là của nam giới.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn, cả hai cô gái phủ nhận việc coi mình là thiên tài Toán học. Họ cũng cho biết không có hứng thú theo đuổi sự nghiệp Toán học.
“Mọi người có thể kỳ vọng quá nhiều vào tôi nếu tôi trở thành một nhà Toán học”, Jackson nói. Về phần mình, Johnson nói thêm: “Tôi có thể học thêm chuyên ngành phụ là Toán, nhưng tôi không muốn đó là công việc chính của mình".
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/hai-hoc-sinh-chung-minh-duoc-dinh-ly-toan-hoc-2000-nam-tuoi-a104682.html