Ngoài ợ nóng nhiều ngày, ông Đức không có triệu chứng đặc trưng khác, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, bác sĩ nội soi phát hiện sang thương ở thực quản dưới. Kết quả chụp MRI 3 Tesla và CT 1975 lát cắt cho thấy sang thương còn ở giai đoạn sớm, chưa xâm lấn hay thâm nhiễm xung quanh, không ghi nhận hạch phì đại bất thường.
Ngày 30/10, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết ông Đức mắc ung thư biểu mô tế bào vảy (tế bào dạng biểu bì ở thành thực quản). Người bệnh được chỉ định phẫu thuật nội soi ba thì (ba giai đoạn) gồm ngực, bụng và cổ. Bác sĩ cắt toàn bộ thực quản của người bệnh nhằm ngăn tế bào ung thư lan rộng, sau đó tạo hình bộ phận này bằng ống dạ dày đưa lên cổ nối vào đoạn thực quản.
Phẫu thuật cắt thực quản phức tạp, cần cẩn trọng tránh ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng xung quanh như tim, phổi, hệ thống thần kinh quặt ngược, giảm nguy cơ biến chứng.
Bắt đầu ở thì ngực, bác sĩ bóc tách di động thực quản, nạo các nhóm hạch bên cạnh, bảo tồn thần kinh quặt ngược phải. Tiếp theo, kíp mổ tiến hành cùng lúc thì cổ và bụng, giải phóng các dây chằng xung quanh dạ dày để di chuyển bờ cong lớn và bờ cong nhỏ dạ dày, cắt dạ dày theo hình ống, khâu dính hai đầu thực quản - dạ dày. Sau đó, êkíp cắt mở cơ, khâu tạo hình môn vị, mở hỗng tràng nuôi ăn. Êkíp bác sĩ mổ ở cổ đồng thời phẫu tích thực quản cổ, đưa ống dạ dày lên cổ nối với thực quản, khâu lại miệng nối.
Người bệnh hồi phục tốt, tỉnh táo, có thể đi lại bình thường, xuất viện sau 5 ngày. Ông ăn bằng thông hỗng tràng thêm một tuần, chờ thực quản mới tạo ổn định.
Do ung thư giai đoạn sớm, chưa di căn, ông Đức không cần điều trị bổ sung, tiên lượng sống tốt. Song theo bác sĩ Hùng, tế bào ung thư có thể tái phát trong 5 năm đầu, người bệnh cần tái khám định kỳ.
Dấu hiệu thường gặp của ung thư thực quản là nuốt nghẹn, nuốt vướng khi ăn uống, trào ngược dạ dày, khàn tiếng, ho kéo dài, giảm cân không rõ nguyên nhân... Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn, khi triệu chứng rõ ràng, ung thư đã lan rộng khiến điều trị khó khăn, tiên lượng khá xấu.
"Khoảng 25% trường hợp ung thư thực quản phát hiện ở giai đoạn sớm", bác sĩ Hùng nói, thêm rằng người bệnh ung thư thực quản giai đoạn một được điều trị kịp thời, tỷ lệ sống trên 5 năm cao. Trường hợp ung thư lan sang cấu trúc lân cận và di căn xa đến các cơ quan khác thì tỷ lệ sống sau 5 năm giảm.
Hiệu quả điều trị phụ thuộc thể trạng, bệnh lý đi kèm, phương pháp, khả năng đáp ứng của người bệnh... Một số trường hợp có tiên lượng tốt hơn so với dự đoán. Người bệnh nên giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và sống khoa học để hiệu quả tối ưu.
Bác sĩ Minh Hùng khuyến nghị khám sức khỏe định kỳ. Người có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử viêm thực quản kéo dài, trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh Barrett thực quản, từng cắt dạ dày hay viêm teo dạ dày nên tầm soát ung thư định kỳ. Nên ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh, tránh lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.
Quyên Phan
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/mo-triet-can-ung-thu-tai-tao-thuc-quan-cho-nguoi-benh-a104635.html