‘Tối hậu thư’ dành cho Temu

Theo đại diện Tổng cục Thuế, dự kiến tháng 10, sàn Temu mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý IV năm nay. Thời hạn nộp là 31/1/2025 nếu được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động. Trong khi đó, Bộ Công Thương ra "tối hậu thư" yêu cầu sàn này phải hoàn tất thủ tục theo quy định.

Thời gian nộp thuế của Temu vào cuối tháng 1/2025

Chiều 31/10, trao đổi với PV Tiền Phong về việc quản lý thuế đối với một số sàn thường mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, 1688 ... đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động kinh doanh sàn TMĐT ở Việt Nam là hoạt động kinh doanh phải được cấp phép và chịu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa, trong đó có khoản thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trên cơ sở các quy định tại Luật quản lý thuế và Thông tư số 80 - BTC, các nhà quản lý sàn TMĐT có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

Theo vị này, hiện Tổng cục Thuế đã triển khai vận hành Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ thời điểm năm 2022. Nếu phát hiện nhà cung cấp nước ngoài kê khai chưa đúng doanh thu cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.

‘Tối hậu thư’ dành cho Temu- Ảnh 1.

Theo Tổng cục Thuế, Temu sẽ phải kê khai, và nộp thuế vào cuối tháng 1/2025.

Về sàn Temu, theo đại diện Tổng cục Thuế, ngày 4/9, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd (chủ sở hữu vận hành sàn Temu tại Việt Nam) đã thực hiện đăng ký thuế qua Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế và được cấp mã số thuế 9000001289.

Theo quy định, các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện kê khai, nộp thuế theo quý. Theo đó Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý III năm 2024. Thời hạn kê khai thuế của tờ khai quý III năm nay là 31/10/2024 kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.

“Dự kiến tháng 10, sàn Temu mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý IV năm nay và thời hạn nộp là 31/1/2025 nếu được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động. Tổng cục Thuế sẽ giám sát chặt chẽ việc kê khai doanh thu của Temu để đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định”, đại diện Tổng cục Thuế cho hay.

Đối với các nhà cung cấp nước ngoài có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thuế, cơ quan thuế đang rà soát và có các biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Tuy nhiên, lợi dụng khái niệm hiện nay một số nhà cung cấp nước ngoài cho rằng có “cơ sở thường trú” thông qua việc thành lập các văn phòng đại diện tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc các đơn vị này không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế qua Cổng TTĐT của Tổng cục thuế.

“Tổng cục Thuế đã báo cáo Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38 để phù hợp với phát sinh thực tế của nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam”, đại diện Tổng cục Thuế cho hay.

Bộ Công Thương ra "tối hậu thư" cho Temu

Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương - cho biết, sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục đang khẩn trương rà soát tổng thể về tác động cũng như các giải pháp đối với các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu, 1688 và Shein để đảm bảo các nền tảng này cần tuân thủ các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam.

Bộ Công Thương đã liên hệ và làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam để yêu cầu các nền tảng này thực hiện các bước đăng ký chính thức và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch thông tin và an toàn dữ liệu. Nếu không thực hiện đầy đủ, Bộ sẽ xem xét các biện pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.

‘Tối hậu thư’ dành cho Temu- Ảnh 2.

Bộ Công Thương yêu cầu sàn Temu hoàn tất thủ tục theo quy định, nếu không sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Trong bối cảnh quốc tế, các nền tảng này cũng đang chịu áp lực từ các quốc gia khác về tuân thủ pháp lý và chất lượng sản phẩm. Việc đăng ký và tuân thủ các yêu cầu tại Việt Nam là điều cần thiết để đảm bảo môi trường TMĐT công bằng, minh bạch và có trách nhiệm.

Theo lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thời hạn cụ thể để các doanh nghiệp nước ngoài có website cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam hoàn tất hồ sơ đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương hiện được quy định tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Cụ thể, các nền tảng cần khẩn trương nộp hồ sơ ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam hoặc ngay khi đáp ứng các điều kiện xác định là đang hoạt động tại Việt Nam. Ví dụ như có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc lượng giao dịch từ Việt Nam vượt 100.000 giao dịch/năm.

“Nếu quá thời hạn mà các sàn vẫn chưa hoàn tất hồ sơ, Bộ Công Thương có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt bằng cách phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia”, ông cho hay.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/toi-hau-thu-danh-cho-temu-a104608.html