Chuyển đổi cây trồng không phải là chuyện "ngày một ngày hai"
Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong dự thảo luật, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Theo đó, giữ nguyên tỉ lệ thuế suất hiện hành 75% và cộng 2.000 đồng/bao cho phương án 1, và 5.000 đồng/bao cho phương án 2, sau đó tiếp tục tăng hàng năm, hướng đến mục tiêu tăng thuế tuyệt đối tới 10.000 đồng/bao vào năm 2030.
Những tác động của tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá đã được các chuyên gia đề cập trong các bài viết và chương trình tọa đàm trong thời gian gần đây.
Trong đó, việc tìm kiếm và chuyển đổi sang loại cây trồng khác phù hợp để thay thế cây thuốc lá và mang lại sinh kế ổn định cho người nông dân vùng trồng nguyên liệu cũng là một vấn đề cần được xem xét và cân nhắc kỹ.
Các ý kiến nhấn mạnh rằng việc tăng thuế TTĐB là cần thiết nhưng nếu tăng đột ngột sẽ tạo ra gánh nặng lớn về mặt kinh tế, an sinh xã hội cho các vùng nguyên liệu thuốc lá ở các địa phương vốn gặp khó khăn trong chuyển đổi cây trồng, trong khi cây thuốc lá đã giúp mang lại đời sống ổn định và sung túc hơn, giúp các hộ nuôi con cái ăn học tốt hơn so với trước đây.
Với dự thảo trên, việc tăng thuế đột ngột sẽ dẫn đến giá bán sản phẩm hợp pháp tăng lên nhiều lần khiến sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm sút mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn nông dân vùng trồng nguyên liệu.
Ông Nguyễn Nam Giang - Phó Tổng thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho hay: "Ta thấy rõ các tác động của việc tăng thuế đột ngột và không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tác động chính sách. Đối với ngành, 18 đơn vị trong hiệp hội sẽ phải thực hiện cơ cấu lại, đặc biệt là tác động rộng đến lực lượng bà con nông dân đang trồng cây thuốc lá ở các vùng biên giới".
Bà Nguyễn Thị Cúc- Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nêu cụ thể hơn tăng thuế thuốc lá thì sẽ ảnh hưởng đến người trồng thuốc lá.
"Hàng ngàn người đang hưởng lợi từ việc trồng lá thuốc lá, họ có cuộc sống bền vững. Họ sẽ phải nghĩ đến chuyển đổi trồng cây gì, nuôi con gì. Đây là một điều rất khó và mất một thời gian để hình thành lại hệ thống thu mua", bà Cúc nêu.
"Tôi không phản đối việc tăng thuế. Việc này hữu ích nhiều mặt cho Việt Nam. Tuy nhiên vấn đế là cần có một cái lộ trình đủ dài và phù hợp", bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch Công ty PWC Việt Nam nhấn mạnh.
Cần thời gian để thích nghi
Ngành thuốc lá hợp pháp tạo ra khoảng 1,1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, bao gồm khoảng 10.000 nhân viên nhà sản xuất, 8.000 nhân viên nhà phân phối, 110.000 đến 120.000 nông dân trồng thuốc lá và khoảng 1 triệu điểm bán lẻ tại Việt Nam. Đối với ngân sách nhà nước, ngành cũng đóng góp 26 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.
Câu chuyện của nông dân ở huyện Krong Bong, Đắk Lắk là một minh chứng rõ nét. Từ chỉ có mức thu nhập đủ ăn, nay người nông dân đã có thu nhập ổn định sau vài năm tham gia vào vùng trồng nguyên liệu cho nhà máy thuốc lá.
Chị Nguyễn Thị Mai (Thôn 1, xã Khuê Ngọc Liền, huyện Krong Bong, tỉnh Đắk Lăk) chia sẻ rằng pr vùng của chị đang ở thường xuyên xảy ra lũ lụt, ngày trước bà con nơi đây trồng đủ loại cây chỉ đủ ăn qua ngày.
Từ khi trồng cây thuốc lá 2 vụ trong năm đã giúp giải quyết được công ăn việc làm cho cả hai vợ chồng chị, đặc biệt trong những mùa rảnh rỗi. Công ty sẽ đầu tư hết về vật tư phân bón, giống, thuốc trừ sâu và kể cả chi phí vốn, vợ chồng chị Mai chỉ cần có đất và công lao động là tham gia trồng được cây thuốc lá, mang lại thu nhập rất ổn định.
"Năm nay, vợ chồng tôi trồng 1,5 ha, sau khi trừ hết chi phí công cán, lãi ròng được khoảng 140 triệu đồng trên 1,5 ha", chị Mai nói.
Chia sẻ từ ông Lê Văn Long - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krong Bong, tỉnh Đắk Lắk, đặc thù của huyện Krong Bong là một bên có Vườn quốc gia Chư Yang Sin và có một hệ thống sông ngòi chằng chịt nên diện tích đất để trồng cây công nghiệp dài ngày không khả thi.
Ông Long nói thêm: "Huyện đã ban hành Nghị quyết 04 về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó cây thuốc lá rất phù hợp với vùng đất phù sa bồi ở các dải ven sông, đặc biệt là một số xã không có diện tích đất lớn.
Khi mà cây thuốc lá đến với Krong Bong thì có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp lo kỹ thuật, các vật tư khác và bao tiêu đầu ra nên đem lại lợi nhuận cao và có chiều hướng phát triển ổn định, bền vững trên địa bàn, đảm bảo đời sống cho người dân.
Từ việc liên kết này đã tạo điều kiện cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát nghèo có công ăn việc làm ổn định, đặc biệt tỉ lệ hộ nghèo ở các xã trồng cây thuốc lá có xu hướng giảm trong thời gian vừa qua".
Còn tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây khi được các nhà đầu tư thu mua giá cả ổn định trong các năm vừa qua.
Chia sẻ tại Hội thảo "Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá" vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Vi Nông Trường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Như trong niên vụ 2023-2024, giá thu mua từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, nhiều người dân khác tại địa phương cũng có thêm công ăn việc làm khi tham gia các công đoạn phân loại và ép kiện cũng như các nguồn thu nhập phụ trợ kèm theo".
Ông Trường cho biết thêm, cây thuốc lá khẳng định thế mạnh đối với vùng đất nông nghiệp trong khu vực núi đá của huyện Chi Lăng, việc tăng cường đầu tư sản xuất thuốc lá vụ Đông Xuân bước đầu tạo sự thay đổi nhận thức người dân về việc sản xuất đúng khung thời vụ, mạnh dạn ứng dụng và nhân rộng các mô hình canh tác kỹ thuật, sản xuất theo quy hoạch, theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất đã được người dân quan tâm đầu tư. Diện tích đất kém chất lượng được khai thác đưa vào sản xuất cây thuốc lá có hiệu quả hơn.
Theo ông Trường, hiện ngoài cây thuốc lá, không có một loại cây nông nghiệp nào mà người nông dân được hỗ trợ cây giống, phân bón, bao tiêu và đảm bảo lợi nhuận. "Chúng tôi cũng đã làm việc với Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế để tìm giải pháp thay thế cây thuốc lá bằng các cây trồng khác nhưng qua khảo nghiệm người dân đều lựa chọn cây thuốc lá vì tính hiệu quả của nó", ông Trường chia sẻ.
Trong khi đó, doanh nghiệp trong ngành thuốc lá cũng là một mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, đảm bảo vấn đề đầu ra bền vững cho người nông dân ở vùng trồng.
"Chúng tôi ký hợp đồng với các hộ nông dân ngay từ đầu vụ, sẽ đầu tư hết cho các hộ, từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến dây tưới nhỏ giọt, máy tưới, dầu tưới và tiền mặt, gần như là công ty đầu tư toàn bộ cho mùa vụ. Bà con chỉ cần có đất và công trồng.
Về đầu ra, chúng tôi cũng cam kết giá mua ngay từ đầu nên mang lại thu nhập rất tốt cho bà con. Cây thuốc lá rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở vùng đất này nên cho năng suất cao, không phải là cây xóa đói giảm nghèo mà là làm giàu cho bà con nông dân ngay trên địa bàn huyện Krong Bong", ông Vũ Đức Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty đầu tư sản xuất Phúc Thịnh cho hay.
Theo các chuyên gia, thay vì tăng thuế cao và đột ngột để thay đổi hành vi tiêu dùng thì cần cân nhắc lộ trình tăng thuế để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, các hộ nông dân vùng trồng có thời gian chuyển đổi dần.
Đồng thời, giảm thiểu cơ hội cho buôn lậu thuốc lá tăng mạnh khiến số thu ngân sách và tỉ lệ giảm sử dụng thuốc lá không như kỳ vọng. Một khi vấn đề này ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp và nông dân, thì đồng nghĩa Việt Nam phải tốn thêm nhiều chi phí và nguồn lực trong thời gian dài để khắc phục các hệ lụy.
Bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách, điều hành, quản lý Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối với thuốc lá đến năm 2030 là 15.000 đồng/bao (20 điếu/bao), tương đương 65% giá bán lẻ và lộ trình tăng thuế từ năm 2026 - 2030 như sau: Năm 2026: 5.000 đồng/bao, năm 2027: 7.500 đồng/bao, năm 2028: 10.000 đồng/bao, năm 2029: 12.500 đồng/bao, năm 2030: 15.000 đồng/bao.
Ưu điểm của phương án do Bộ Y tế đề xuất giúp đạt mục tiêu quốc gia, nhờ đó giảm nhiều hơn số người hút thuốc, chi phí bệnh tật, vừa huy động thêm được ngân sách phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tang-thue-thuoc-la-va-bai-toan-chuyen-doi-cay-trong-cho-nong-dan-a104549.html