Nhiều địa phương, trường học quản lý chặt hơn việc dùng điện thoại của học sinh. Ảnh minh họa: Thành Đông. |
Sở GD&ĐT TP Hải Phòng vừa có văn bản tăng cường quản lý việc sử dụng điện thoại di dộng trong nhà trường.
Theo sở, hiện nay, việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong cơ sở giáo dục trên địa bàn còn nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học.
Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, sở đề nghị các đơn vị căn cứ điều kiện thực tế hướng dẫn cụ thể việc quản lý điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau khi kết thúc tiết học cuối trên lớp, trường.
Học sinh chỉ được phép mang điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng trong các giờ học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép.
Các nhà trường đôn đốc, kiểm tra, giám sát học sinh thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT, "học sinh không được sử dụng điện thoại di động và các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép".
Sở cũng yêu cầu các trường tuyên truyền để cha mẹ học sinh đồng hành cùng nhà trường, giáo viên trong công tác chăm lo, động viên, nhắc nhở, quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng đúng mục đích, quy định.
Hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết việc quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 32 của bộ.
Tuy nhiên, thời gian qua, sở nhận thấy việc thực hiện quy định này còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến hiệu quả dạy và học.
Để chấn chỉnh và khắc phục, ngoài thực hiện nghiêm túc quy định của bộ, sở khuyến cáo các trường quản lý điện thoại của học sinh từng lớp trước tiết học đầu tiên và trả lại các em sau giờ tan học.
Trong các tiết cần sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép, học sinh được phép mang vào lớp để dùng. Sở cũng đề nghị phụ huynh đồng hành cùng nhà trường, nhắc nhở con em.
Các lớp học tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chuẩn bị hòm nhỏ để cất giữ điện thoại của học sinh. Ảnh: Báo Nghệ An. |
Sở GD&ĐT cùng Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An cũng phát động phong trào "Trường học nói không với điện thoại trong buổi học", mục tiêu chính là học sinh phổ thông không sử dụng điện thoại trong buổi học chính khóa, học thêm trong nhà trường, kể cả giờ ra chơi.
Đối với các buổi học, tiết học đặc thù, hoạt động tập thể hoặc trong tình huống đặc biệt, nhà trường và giáo viên quyết định việc sử dụng điện thoại đối với học sinh.
Tương tự, Sở GD&ĐT Tuyên Quang cũng đã có văn bản yêu cầu ngoài việc thực hiện quy định của bộ, các cơ sở giáo dục xây dựng nội quy, quy chế của trường, lớp học, quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng điện thoại của học sinh trong giờ học và trong khuôn viên nhà trường đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.
Tổ chức quản lý điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên của từng buổi học và gửi lại cho học sinh sau khi kết thúc buổi học. Trong các tiết học cần sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng thì học sinh được phép sử dụng theo hướng dẫn của giáo viên.
Sở GD&ĐT TP.HCM không đưa ra khuyến cáo chung, song nhiều trường trên địa bàn đã cấm học sinh dùng điện thoại di động, kể cả giờ ra chơi như THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Thạnh Lộc, THCS Nguyễn Thái Bình, THPT Trường Chinh, THCS Nguyễn Văn Luông...
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/hang-loat-dia-phuong-siet-hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-a104507.html