Một mặt hàng Trung Quốc đang thiếu trầm trọng, ồ ạt gom từ Việt Nam, tăng mua tới 621%

Trung Quốc phải tăng nhập khẩu từ các nước như Việt Nam và Indonesia để bù đắp vào phần thiếu hụt.

Một mặt hàng Trung Quốc đang thiếu trầm trọng, ồ ạt gom từ Việt Nam, tăng mua tới 621%- Ảnh 1.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa dẫn số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất khẩu cau của Việt Nam.

Theo đó, trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu cau của Việt Nam đạt 28,99 triệu USD (khoảng 730 tỷ đồng). Trung Quốc là thị trường chính nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam với giá trị 27,34 triệu USD (gần 700 tỷ đồng), tăng 12,66 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tháng 9, giá trị cau xuất khẩu sang quốc gia này tăng vọt 621%.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn xuất khẩu cau sang khoảng 10 thị trường khác như Mỹ gần 1 triệu USD, Thái Lan với 258.000 USD, Nepal là 141.000 USD, Ấn Độ 88.000 USD, Sri Lanka 64.000 USD và Bhutan 29.000 USD.

Lý giải về việc Trung Quốc tăng đột biến mua cau từ Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong thời gian này thiếu hàng do ảnh hưởng của bão làm nhiều vườn cau tại đảo Hải Nam ngã đổ, ước tính sản lượng cau ở đảo năm nay giảm tới 40%.

Tính đến tháng 6/2023, diện tích trồng cau ở tỉnh Hải Nam đã đạt 2,5 triệu mẫu Anh, tương đương hơn 1,01 triệu ha. Đây là nơi cung ứng 90 - 99% sản lượng cau của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc phải tăng nhập khẩu từ các nước khác như Việt Nam và Indonesia để bù đắp vào phần thiếu hụt.

Bên cạnh đó, giá cau tại Trung Quốc liên tục tăng cao do bệnh vàng lá trên cây ngày càng nghiêm trọng, khiến nguồn cung bị giảm sản lượng. 2 nguyên nhân trên khiến giá thu mua cau trên thị trường tăng cao kỷ lục.

Một mặt hàng Trung Quốc đang thiếu trầm trọng, ồ ạt gom từ Việt Nam, tăng mua tới 621%- Ảnh 2.

Khi nguồn cung cau ở Trung Quốc khan hiếm, giá cau ở nước này tăng cao kéo theo giá cau tại Việt Nam cũng leo thang.

Nếu như các năm trước, giá cau đầu vụ dao động từ 4.000 - 7.000 đồng/kg thì năm 2024, ngay từ đầu vụ, giá cau đã trên 45.000 đồng/kg (cả cuống lẫn quả). Sang đến tháng 6, mặt hàng này dao động từ 45.000 - 57.000 đồng/kg, sau đó tăng lên hơn 60.000 đồng/kg. Đến tháng 10, giá cau chạm mốc 80.000 đồng/kg, có thời điểm cao nhất lên tới hơn 85.000 đồng/kg ở Quảng Ngãi và gần 100.000 đồng/kg ở Quảng Nam.

Để ngăn chặn tình trạng đội giá lên cao, một số nhà máy chế biến cau tại Trung Quốc đã áp dụng biện pháp "giới hạn giá", buộc một số nông dân trồng cau tại Trung Quốc phải hạ giá bán.

Theo Trung tâm giám sát giá tỉnh Hải Nam, ngày 18/10, giá mua cau trung bình tại địa phương ở mức hơn 155.000 đồng/0,5kg, tăng tới hơn 175% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày 21/10 ở mức 270.000 đồng/kg, tăng 25% so với tháng trước và gấp 6 lần so với năm 2016. Tuy nhiên, sau đó mặt hàng này đã có xu hướng giảm giá. Ngày 25/10, giá mua cau đã rớt xuống còn hơn 120.000 đồng/0,5kg.

Trong khi đó, tại Việt Nam, khi các thương lái giảm, ngừng thu mua, cau quay đầu lao đốc mạnh. Hiện tại, mặt hàng này duy trì quanh mốc 40.000 đồng/kg.

Một mặt hàng Trung Quốc đang thiếu trầm trọng, ồ ạt gom từ Việt Nam, tăng mua tới 621%- Ảnh 3.

Tại Trung Quốc, cau được sử dụng như một loại dược liệu có tác dụng chống lão hóa, chống oxy hóa, hỗ trợ tiêu hóa, hạ đường huyết... Ngoài ra, tại quốc gia này, cau còn được sử dụng làm nguyên liệu trong các sản phẩm như kẹo cao su, nước tăng lực, đồ ăn vặt...

Theo báo cáo của công ty phân tích dữ liệu Qichacha (Trung Quốc), đến tháng 6 năm nay, nước này có 15.000 doanh nghiệp liên quan tới chuỗi sản xuất cau. Trong đó đứng đầu là tỉnh Hồ Nam với 6.571 doanh nghiệp, chuyên về sản xuất, thứ hai là tỉnh Hải Nam với 6.149 công ty.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/mot-mat-hang-trung-quoc-dang-thieu-tram-trong-o-at-gom-tu-viet-nam-tang-mua-toi-621-a104456.html