Đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại tổ sáng 26/10. Ảnh: Quốc hội. |
Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phản ánh tình trạng "thất thoát nhân lực" trong khu vực công, thậm chí có thời điểm gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức chuyển từ khu vực công ra ngoài.
Năm 2023, con số này đã giảm nhưng vẫn trong khoảng 11.000, gồm rất nhiều công chức, viên chức trình độ cao.
Đại biểu nhấn mạnh đang có thất thoát năng lực từ khu vực công ra ngoài, trong khi việc thu hút nhân tài vào khu vực công có những khó khăn nhất định.
Theo báo cáo của một số tỉnh thành, mặc dù có chính sách thu hút nhân tài nhưng trong 5 năm không thu hút được nhân tài nào.
Ông Hiếu cho biết khi đặt vấn đề với sinh viên chất lượng cao "các em hỏi ngay 'mức lương được bao nhiêu?'". Như hiện tại, mức lương khởi điểm rõ ràng không đủ để thuê nhà ở các thành phố lớn. Thậm chí, có em còn nói lương một tháng hơn 5 triệu đồng không mua được cặp vé xem ca nhạc, đừng nói đến chuyện thưởng thức văn hóa nghệ thuật...
Đại biểu đặt vấn đề với mức lương như thế không thể nào thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu vực nhà nước. Ngay đơn vị sự nghiệp công lập cũng rất khó khăn trong thu hút viên chức giỏi, đây là vấn đề cần suy nghĩ.
Ông Hiếu phân tích 2 xu hướng của sinh viên mới ra trường: Các em thích ở lại các thành phố lớn - nơi có cơ hội việc làm tốt hơn; Các em cũng thích làm khu vực tư nhiều hơn là khu vực công.
“Một người giỏi làm ở khu vực công hay khu vực tư đều là đóng góp cho xã hội", đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng quan điểm này đúng nhưng nếu không coi trọng, chăm sóc khu vực công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội.
"Chúng ta xác định thể chế vẫn là điểm nghẽn, nếu không có người có năng lực hoạch định chính sách hoặc hoạch định chưa phù hợp sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội”, ông Hoàng Minh Hiếu nêu quan điểm.
Liên quan đến chính sách tiền lương, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết Chính phủ đề xuất năm 2025 không tăng lương khu vực công và lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, "chỉ ủng hộ một phần".
“Năm nay, mình đã điều chỉnh tiền lương, thấy khá hơn, cũng tốt rồi nhưng cần lưu ý đến tiền lương khu vực giáo dục, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa và lương, phụ cấp của đội ngũ y, bác sỹ. Nhưng quan trọng hơn là lương hưu rất thấp”, ông Ngân nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Quốc hội. |
Ông đề nghị Chính phủ xem xét, có thể chưa tăng lương khu vực công nhưng phải tăng lương hưu, tăng trợ giúp an sinh xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công.
“Năm 2025, nếu không tăng cái này sẽ có gì đó ngượng ngượng, vì năm 2025 là năm của các sự kiện, những ngày lễ lớn của dân tộc. Do đó, không tăng trợ cấp ưu đãi người có công, tăng lương hưu niềm vui sẽ giảm”, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ.
Ông Ngân cũng cho rằng cần tiếp tục giảm thuế thu nhập cá nhân. Theo ông, tiền khấu trừ của người nộp thuế là 11 triệu đồng, khấu trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, hai mức này đối với các đô thị lớn là không đảm bảo.
"Phải tăng mức khấu trừ, cải thiện được điều này, thu nhập còn lại mới tăng được tiêu dùng, khi đó sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng”, ông đề xuất.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/thu-hut-sinh-vien-gioi-nhung-luong-khoi-diem-khong-du-mua-ve-ca-nhac-a104391.html