Xét nghiệm máu cho thấy anh có nồng độ testosterone thấp, từ 219 đến 239 nanogram trên decilit, trong khi mức bình thường ở nam giới độ tuổi 20 là khoảng 400 đến 600. 4 năm sau, Kade chia sẻ trên trang TikTok có 74.000 người theo dõi về việc tiêm testosterone giúp cải thiện tình trạng này. Ở tuổi 25, anh cảm thấy như "một người đàn ông mới": khỏe mạnh, cơ bắp, gọn gàng, có râu quai nón và ham muốn tình dục cao.
Câu chuyện của Kade không hiếm. Ngày càng nhiều nam giới trẻ tuổi tìm đến liệu pháp thay thế testosterone (TRT) để tối ưu hóa sức khỏe, dù không mắc bệnh. Việc theo dõi nồng độ testosterone và tiêm bổ sung khi có dấu hiệu suy giảm đã trở nên bình thường, không còn cấm kỵ như trước.
Alexis Ohanian, 41 tuổi, người đồng sáng lập Reddit, chồng tay vợt Serena Williams, gần đây chia sẻ về mức testosterone (khá cao) của mình. Ông cho rằng điều này là nhờ tập tạ, giảm thịt và rượu, sử dụng thực phẩm bổ sung testosterone.
Năm 2018, phát thanh viên Joe Rogan chia sẻ trên podcast, anh bắt đầu tiêm testosterone khi sang tuổi 40 để cơ thể "khỏe khoắn hơn". Năm 2021, diễn viên Dax Shepard cũng cho biết đã tăng 10,8 kg cơ bắp nhờ biện pháp này.
Ngành công nghiệp phát triển mạnh
Các bác sĩ đa khoa thường khuyến nghị thay đổi chế độ ăn uống và ngủ nghỉ để tăng cường testosterone tự nhiên. Trong khi đó, ngành công nghiệp nam khoa dựa trên testosterone đang phát triển mạnh mẽ. Đơn thuốc TRT tăng đáng kể trên khắp nước Mỹ trong hai thập kỷ qua, 20% từ 2016 đến 2019.
Xu hướng này cho thấy một loại hình chăm sóc sức khỏe mới dành cho nam giới. Testosterone được kê đơn để điều trị một loạt các triệu chứng mơ hồ, với kỳ vọng khiến đàn ông cảm thấy "tốt hơn". Dù vậy, không ai rõ tác dụng hoặc đối tượng sử dụng của hình thức này. Trong phân tích năm 2007, nhà xã hội học y khoa Peter Conrad nhận định, testosterone đã trở thành "loại thuốc dùng trước khi tìm thấy bệnh". Gần hai thập kỷ sau, xu hướng vẫn tiếp tục. Testosterone là phương pháp chữa "cảm giác bất an của nam giới".
Thực tế, việc sử dụng testosterone bắt nguồn từ hơn một thế kỷ trước, khi các chuyên gia nội tiết phát hiện nó có liên quan đến quá trình lão hóa của nam giới. Năm 1889, Charles-Édouard Brown-Séquard, nhà sinh lý học người Pháp, đã tiêm máu tinh hoàn cũng như tinh dịch của chó và chuột lang vào cơ thể. Ông nói rằng thí nghiệm này đã trẻ hóa năng lượng và ham muốn tình dục của ông ở tuổi 72. Sau này, các nhà khoa học chứng minh đây chỉ là hiệu ứng giả dược.
Tuy nhiên, đến năm 2017, các phòng khám testosterone lại bùng nổ. Đây là thời điểm Viagra hết hạn bằng sáng chế. Viagra là chất giãn mạch, có thể giúp nam giới đạt được trạng thái cương cứng. Thuốc tạo nên cơn sốt "tăng sinh lý" cho nam giới, theo cách chưa từng thấy trước đây.
Testosterone là bước tiếp theo trong sự phát triển của ngành công nghiệp này. Giờ đây nam giới có thể đến phòng khám ngay cả khi có sinh lý bình thường. Liệu pháp testosterone hứa hẹn sẽ giúp người dùng trở nên cơ bắp, nhiều ham muốn tình dục và năng động hơn.
Nghiên cứu công bố trên Sexual Medicine cho thấy, từ năm 2017 đến 2019, lượt truy cập các trang web về lĩnh vực này tăng 1.600%, trung bình 5 triệu lượt mỗi tháng. Các công ty y tế từ xa tiếp tục mở rộng kể từ thời kỳ bùng nổ trong đại dịch.
Hiểm họa khôn lường
Thông thường, việc sử dụng testosterone cần được duy trì suốt đời, bởi nó ảnh hưởng đến quá trình sản xuất testosterone tự nhiên của cơ thể. Ngừng tiêm đột ngột có thể tạo ra hiệu ứng "cai nghiện". Người dùng thường sẵn sàng trả vài trăm USD mỗi tháng để xét nghiệm và tiêm. Ví dụ, Low T Center, trụ sở chính tại Texas, cung cấp đơn thuốc với giá 105 USD mỗi tháng, sau khi người dùng trả 160 USD cho hai lần xét nghiệm. Một số phòng khám giảm giá nếu khách hàng đăng ký 6 tháng hoặc một năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tình trạng thiếu hụt testosterone đến mức cần can thiệp y tế là không phổ biến. Nồng độ testosterone cũng dao động trong suốt cuộc đời của một người đàn ông, ngay cả trong một ngày nhất định. Các triệu chứng có thể mơ hồ. Dấu hiệu dễ nhận biết của tình trạng testosterone thấp là giảm ham muốn tình dục, mệt mỏi, loãng xương, rối loạn cương dương.
Phó giáo sư Justin Houman, bác sĩ tiết niệu tại Bệnh viện Cedars-Sinai, nhận định các biện pháp tự nhiên như tập thể dục, ăn uống lành mạnh vẫn hiệu quả và không để lại tác dụng phụ. Thực tế, việc kê đơn testosterone cho người khỏe mạnh vẫn gây tranh cãi trong y học chính thống.
Hầu hết nghiên cứu liên quan đều quá nhỏ để đưa ra kết luận, để lại nhiều câu hỏi về ảnh hưởng của việc tiêm testosterone lên cơ thể. Một số thử nghiệm chỉ ra rằng tác dụng của phương pháp này chỉ kéo dài trong hai năm. Tuy nhiên, nó để lại phản ứng phụ là rụng tóc, mụn trứng cá, có thể làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ.
Các phòng khám nam khoa nói chung đang hoạt động trong "vùng xám" của y học. Bác sĩ làm việc tại những cơ sở này thường không có cái nhìn toàn diện về sức khỏe người bệnh. Chúng đơn giản là doanh nghiệp bán thực phẩm chức năng.
Một số nhà xã hội học bày tỏ lo ngại về tác động của xu hướng lạm dụng testosterone. Gwen Berumen, chuyên gia tại Đại học Texas ở Austin, phân tích sự xuất hiện của các diễn ngôn liên quan đến lĩnh vực này trên TikTok. Ông nhận thấy phòng khám và những người có tầm ảnh hưởng (influencer) quá tập trung vào việc "tối ưu hóa" cơ thể, nhằm đạt được vóc dáng "nam tính" phi thực tế.
Năm 2019, Hiệp hội Tâm lý học Mỹ lần đầu cảnh báo về mối nguy của hình tượng nam tính độc hại. Tổ chức này cho biết, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về tính nam khiến các chàng trai cảm thấy bị cô lập, yếu đuối, khó thể hiện bản thân. Quá trình quảng cáo và xây dựng thương hiệu của các phòng khám nam khoa vô tình củng cố các tiêu chuẩn về nam tính không thể đạt được.
Thục Linh (Theo Business Insider)
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/quy-ong-tiem-testosterone-de-chua-cam-giac-bat-an-a104376.html