Ngày 28/10, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo liên quan đến các nhóm kín "Tư vấn sức khỏe". Những hành vi này không chỉ khiến người dân thiệt hại về kinh tế, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe vì có nguy cơ sử dụng phải thuốc giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cục An toàn thông tin cho biết mới đây, bà D.N.L ở (55 tuổi, TP Hồ Chí Minh) bị bệnh xương khớp lâu năm nên có tham gia một số nhóm kín để được tư vấn riêng về sức khỏe cũng như giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về căn bệnh của mình.
Trên nhóm có đăng một số bài quảng cáo sản phẩm thuốc đông y, cam kết 100% hiệu quả. Thấy có khuyến mãi nên bà D.N.L đã đặt mua về để sử dụng. Tuy nhiên, khi nhận hàng, bà D.N.L thấy thuốc có bao bì, hình thức, mùi hơi khác lạ nên đã mang thuốc đến phòng mạch để hỏi bác sĩ và được cho biết, loại thuốc này hoàn toàn không trị bệnh khớp. Như vậy, bà D.N.L đã bị lừa đảo, mất tiền mua thuốc không đúng, không thể sử dụng được và cũng không biết liên hệ với ai để đổi trả thuốc.
Thủ đoạn lừa đảo tinh vi: Lời mời hấp dẫn, bán thuốc giá ưu đãi...
Bà D.N.L chỉ là một trong nhiều nạn nhân đã mắc bẫy lừa đảo từ việc tin theo quảng cáo, đặt mua thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Theo chuyên gia công nghệ, với hình thức lừa đảo như trên, đối tượng xấu thường dùng thủ đoạn chung là tạo lập các trang thông tin (fanpage), tạo các hội nhóm trên mạng xã hội sau đó gọi điện, gửi lời mời tham gia nhằm lôi kéo nạn nhân vào các nhóm.
Khi đã vào nhóm, đối tượng lừa đảo sẽ dùng nhiều hình thức như: nhắn tin hỏi thăm thông tin, gọi điện tư vấn mua thuốc đông y để chữa bệnh... để bán được hàng. Đáng nói, các loại thuốc được kẻ xấu quảng cáo sai sự thật về công dụng, chức năng và thường có giá vô cùng ưu đãi, kèm theo đó là chương trình khuyến mãi hấp dẫn như: được dùng thuốc miễn phí trong 5 năm, được bảo hiểm hoặc hoàn trả 80% tiền thuốc đã điều trị nếu thuốc không có tác dụng...
Tại đây, các đối tượng lừa đảo thường xuyên trao đổi thông tin về bệnh, chia sẻ các video có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để mô tả tư vấn và hướng dẫn sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc mô tả công dụng kỳ diệu của sản phẩm. Các video này được đầu tư làm khá công phu nên nhiều người lầm tưởng là thuốc tốt thật, người bệnh uống thuốc sẽ có tác dụng. Đây là một dạng sử dụng "nhân chứng sống" - những người đã từng bị bệnh, sau khi dùng thuốc đã có nhiều tiến triển nhằm tăng thêm sức thuyết phục.
Với những người có tình trạng bệnh đau xương khớp mạn tính, đã chữa trị lâu năm nhưng không khỏi, những lời mời hấp dẫn trên mạng sẽ khiến người bệnh hy vọng, mong muốn được dùng thử sản phẩm. Kết quả, nhiều nạn nhân đã lừa đảo chiếm đoạt vài trăm đến vài triệu đồng để mua thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần. Điểm chung là sau khi nhận được tiền mua hàng, kẻ lừa đảo sẽ chặn liên lạc.
Trước những thủ đoạn lừa đảo liên quan đến sản phẩm phục vụ sức khỏe, chữa bệnh..., Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước các dịch vụ khám chữa bệnh, bán thuốc trên mạng xã hội.
Người dân cần chủ động kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế, thực hiện xác minh qua website của các cơ quan y tế uy tín hoặc từ nguồn tin đáng tin cậy trước khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh.
Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, người dân hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.