Temu chia hoa hồng ‘không tưởng’ ở Việt Nam

Sàn TMĐT xuyên biên giới bắt đầu mở chương trình tiếp thị liên kết ở Việt Nam với mức chiết khấu cao nhất 30% cho người mới.

Temu trả hoa hồng cao cho người tiếp thị liên kết.

Ngày 22/10, Temu mở đăng ký chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) cho người dùng trong nước. Việc đăng ký thành đối tác kiếm tiền trên sàn này đơn giản, ai cũng có thể tham gia với chiết khấu cao hơn mức Lazada, Shopee áp dụng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chương trình quảng cáo dạng này có thể khiến nhiều người mua phải hàng hóa kém chất lượng, gia tăng hiện tượng "link bẩn" trên mạng xã hội.

Chia 30% tiền hoa hồng

Với khoản trả thưởng cao cho những người giới thiệu khách mới tải app, tham gia chương trình tiếp thị liên kết, Temu bắt đầu được chia sẻ rầm rộ trên các mạng xã hội tại Việt Nam. Cụ thể, khi mỗi người cài ứng dụng, tạo tài khoản theo đường dẫn được cấp, người làm tiếp thị liên kết sẽ nhận 150.000 đồng tiền thưởng.

Đây là mức rất cao so với con số sàn TMĐT khác ở Việt Nam đang chi trả. Ví dụ, Shopee chia tối đa 50.000 đồng cho một đơn hàng thành công cho đối tác affiliate. Temu trả số gấp 3 chỉ bằng việc tạo lập tài khoản. Tuy nhiên, để rút tiền thưởng, những tài khoản mới này phải mua sắm sản phẩm bất kỳ trên ứng dụng.

temu chi tien anh 1

Sàn trả tiền kiểu "đa cấp" cho người giới thiệu tham gia tiếp thị liên kết.

Sàn này còn tạo mô hình chia hoa hồng nhiều cấp. Ví dụ, khi có tài khoản tham gia chương trình affiliate theo đường dẫn, người chia sẻ sẽ được chia một số tiền nhất định. Nếu thành viên cấp dưới kiếm thêm đối tác, người bậc trên hưởng tiếp 20% hoa hồng.

Ngoài ra, tiền thưởng trên mỗi món hàng bán thành công cũng rất cao, dao động 10-30%. Trang đối tác của sàn này giới thiệu các ví dụ như một chiếc máy bơm giá 375.000 đồng bán thành công, người chia sẻ đường dẫn trực tiếp có thể thu về 112.000 đồng; hay hơn 300.000 đồng thưởng cho người bán được tay nâng màn hình giá 1 triệu đồng. Cách hiển thị số tiền nhận được trên giá trị đơn hàng rất hấp dẫn, thu hút người tham gia tiếp thị liên kết.

Con số mà Temu trả cao hơn TikTok Shop, Shopee ở Việt Nam. Nền tảng thuộc ByteDance cũng quảng cáo chương trình trả thưởng đến 30%. Tuy nhiên, mặt bằng hoa hồng TikTok Shop thấp hơn Temu. Trong khi đó, Shopee trả thưởng tối đa 3,5% trên giá trị đơn hàng. Mức này cũng chỉ áp dụng với một số nhóm ngành hàng, con số trung bình ở mức 1,5-2%. Sàn giới hạn số tiền tối đa trên mỗi đơn nhận được là 50.000 đồng.

Bằng cách trả nhiều tiền cho những người tham gia tiếp thị liên kết, Temu có thể nhanh chóng quảng bá “truyền miệng” qua các kênh mạng xã hội.

Hệ lụy của affiliate

Tuy nhiên, cách này tồn tại nhiều vấn đề. Các sản phẩm trên Temu hiện đa phần là dạng no-brand (không thương hiệu), giá trị thấp và được cung ứng xuyên biên giới. Rất khó tìm thấy món hàng trên 1 triệu đồng ở nền tảng này. Chất lượng thực tế, độ bền của sản phẩm cũng chưa được kiểm chứng.

Nhiều người dùng tại các thị trường Temu có mặt như Mỹ, châu Âu cho biết sàn này thường mô tả bằng hình ảnh giả, thông tin gây hiểu nhầm. Mặt khác, chất lượng thường tương xứng với số tiền, giá trị sử dụng thấp.

temu chi tien anh 2

Quảng cáo tham gia affiliate trên Temu.

“Với khoản hoa hồng cao chia cho người làm affiliate, sản phẩm trên Temu có thể bị quảng cáo vô tội vạ, gây thiệt hại cho khách hàng ít kinh nghiệm”, Q.H., người có nhiều năm làm tiếp thị liên kết, chia sẻ quan điểm.

Tại Việt Nam, tình trạng link bẩn “rải thảm” trên mạng xã hội gây bức xúc trong thời gian qua. Dưới các bài đăng được quan tâm, nhiều tài khoản ảo đăng bình luận giả mạo kèm nội dung mồi chài để dẫn về sàn TMĐT, kiếm hoa hồng.

Shopee mới đây đã truy quét nhiều kênh làm affiliate dạng này vì vi phạm cam kết. Sàn truy thu số tiền phạt tối đa 10 triệu đồng cho mỗi trường hợp. Tuy nhiên với sự tham gia của Temu cùng mức chiết khấu cao, tình trạng này có thể lại tiếp diễn.

Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri

Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.

Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/temu-chia-hoa-hong-khong-tuong-o-viet-nam-a104309.html