Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Nội tiết, các nhà khoa học cho rằng tập luyện cường độ cao làm giảm nồng độ "hormone đói" ghrelin ở người trưởng thành khỏe mạnh hiệu quả hơn so với tập luyện cường độ vừa phải.
8 nam và 6 nữ tham gia cuộc nghiên cứu bằng cách nhịn ăn qua đêm và tập luyện ở các cường độ khác nhau. Sau đó, họ báo cáo mức độ đói của mình. Các nhà nghiên cứu đo lactate trong máu của họ, chỉ số cường độ tập luyện và nồng độ ghrelin - một hormone được sản xuất chủ yếu ở dạ dày báo hiệu cho não bộ khi nào cần ăn. Ghrelin lưu thông dưới hai dạng: acylated, hormone hoạt động, và deacylated, dạng ghrelin dồi dào nhất trong cơ thể.
Kết quả, tình nguyện viên nữ có lượng ghrelin tổng cộng cao hơn lúc bắt đầu nghiên cứu, so với nam giới. Và chỉ ở phụ nữ, ghrelin acylated mới "giảm đáng kể" sau khi tập luyện cường độ cao. Nồng độ ghrelin acylated ít đồng nghĩa cảm giác đói giảm bớt.
Các nhà nghiên cứu cho biết tập luyện cường độ vừa phải không làm thay đổi nồng độ ghrelin.
"Nên coi tập thể dục như một 'liều thuốc', trong đó liều lượng tùy chỉnh dựa trên mục tiêu cá nhân. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tập luyện cường độ cao có thể ức chế sự thèm ăn, điều này đặc biệt hữu ích như một phần của chương trình giảm cân", Kara Anderson, tác giả nghiên cứu cho biết.
Kết quả nghiên cứu bổ sung thông tin cho tranh luận lâu nay về việc tập cardio hay tập tạ tốt hơn để giảm cân. Cardio thường đốt nhiều calo hơn mỗi buổi tập, nhưng tập tạ giúp xây dựng khối lượng cơ bắp và đốt calo khi cơ thể nghỉ ngơi.
Thục Linh (Theo NY Post)
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tap-luyen-cuong-do-cao-lam-giam-cam-giac-doi-a104152.html