Dẫn hai nguồn tin thân cận, New York Times cho biết ông Paul Otellini đã đề xuất mua lại Nvidia với số tiền trên trong một cuộc họp năm 2005. Lý do là thiết kế của Nvidia có thể đóng vai trò quan trọng trong trung tâm dữ liệu - điều các thành viên khác của hội đồng quản trị cũng đồng tình.
Tuy nhiên, hầu hết phản đối vì 20 tỷ USD là con số rất lớn vào 20 năm trước. Nếu diễn ra, đây sẽ là vụ thâu tóm công nghệ đắt đỏ nhất của hãng chip Mỹ.
Không mua Nvidia, hội đồng quản trị Intel chuyển sang ủng hộ dự án xây dựng hệ thống xử lý đồ họa nội bộ Larabee do Pat Gelsinger, CEO hiện tại của Intel, dẫn dắt. Chip sử dụng công nghệ x86 của Intel kèm đồ họa dạng lai giữa CPU và GPU. Nhưng cuối cùng, Intel ngừng dự án này, dù sau đó quay trở lại với hai dự án khác là Xe và Arc.
Trong lĩnh vực AI, Intel cũng thực hiện một số vụ sáp nhập như Nervana Systems và Movidius năm 2016, Habana Labs năm 2019.
Tuy nhiên, không thương vụ nào sánh được với vị thế hiện tại của Nvidia - gã khổng lồ có vốn hóa thị trường hơn 3,53 nghìn tỷ USD vào ngày 25/10, vượt mức 3,52 nghìn tỷ của Apple. Quan trọng hơn, những quyết định thiếu dứt khoát đang khiến Intel bỏ lỡ cơ hội với AI và có nguy cơ bị thâu tóm.
Intel chưa đưa ra bình luận.
Theo Tom's Hardware, liên tục đối mặt những khó khăn trong sản xuất và chiến lược bán hàng, Intel đã trở thành công ty nhỏ hơn nhiều so với Nvidia. Giá trị vốn hóa thị trường dưới 100 tỷ USD của Intel thậm chí ít hơn tài sản của CEO Nvidia Jensen Huang.
Đây không phải lần duy nhất Intel bỏ qua cơ hội tiến vào thị trường AI sớm. Trong năm 2017 và 2018, Intel từng được chào mời mua cổ phần OpenAI khi còn là một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận nhỏ. Tuy vậy, CEO Intel lúc đó là Bob Swan đã nói không vì cho rằng các mô hình AI còn lâu mới tiếp cận được thị trường rộng lớn.
Paul Otellini gia nhập Intel năm 1974, giữ vai trò CEO giai đoạn 2005-2013. Ông qua đời năm 2017 ở tuổi 66.
Bảo Lâm
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/cuu-ceo-intel-tung-muon-mua-nvidia-voi-gia-20-ty-usd-a104012.html