Mỗi giấc ngủ đêm trải qua các chu kỳ khác nhau, có thể kéo dài 90-120 phút, bao gồm 4 giai đoạn. Trong đó, REM là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (Rapid Eye Movement), N1, N2 và N3 là ba giai đoạn không chuyển động mắt nhanh (giấc ngủ không REM, còn gọi là NREM).
ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính, chuyên khoa Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mỗi giai đoạn giấc ngủ có chức năng riêng. NREM thường chiếm khoảng 75% thời gian ngủ mỗi đêm, có vai trò củng cố trí nhớ và hỗ trợ phục hồi sức khỏe thể chất. REM chiếm khoảng 25% thời gian ngủ đêm, giúp cải thiện sức khỏe nhận thức và cảm xúc.
Giai đoạn N1: Giấc ngủ nông xuất hiện trong khoảng 1-5 phút đầu tiên, có thể đến 10 phút ở người mất ngủ hoặc khó ngủ, chiếm 5% thời gian ngủ mỗi đêm. Lúc này, cơ thể đang vào trạng thái lim dim, mơ màng, chuyển động mắt cùng nhịp thở chậm dần, huyết áp và lưu lượng máu đến não bắt đầu giảm, các cơ thả lỏng hơn. Người đang trong giấc ngủ nông N1 vẫn nhận thức được một số điều đang diễn ra xung quanh nên dễ giật mình tỉnh giấc hoặc dễ bị đánh thức.
Giai đoạn N2: Giấc ngủ sâu thường kéo dài 10-25 phút trong chu kỳ đầu tiên và sau mỗi chu kỳ giấc ngủ. Giai đoạn này thường chiếm hơn 45% tổng số thời gian ngủ của một người bình thường. Trong giai đoạn N2, cơ thể chuyển sang trạng thái thoải mái và thả lỏng hơn. Sóng não bắt đầu hoạt động chậm lại, thân nhiệt giảm, cơ bắp thư giãn, nhịp thở và nhịp tim chậm lại.
Giai đoạn N3: Giấc ngủ rất sâu và khó bị đánh thức nhất. Một người bình thường sẽ trải qua khoảng 20-40 phút cho một giai đoạn N3. Ở chu kỳ đầu tiên trong đêm, giai đoạn N3 kéo dài nhất, vào các chu kỳ sau sẽ ngày càng ngắn dần. Lúc này, cơ thể gần như hoàn toàn được thư giãn và thả lỏng, trương lực cơ, mạch, nhịp thở giảm nhiều hơn. Đây là thời gian để cơ thể phục hồi, sửa chữa các tế bào bị tổn thương, củng cố hệ thống miễn dịch, tái tạo năng lượng. Kết thúc N3 cũng là kết thúc của ba giai đoạn không REM (NREM).
Giai đoạn REM: Giai đoạn chuyển động mắt nhanh hay còn gọi là giai đoạn ngủ mơ, thường chiếm khoảng 25% giấc ngủ ở người lớn, xuất hiện khi ngủ được khoảng 90 phút. Giai đoạn REM của chu kỳ giấc ngủ đầu tiên có thể chỉ kéo dài vài phút nhưng các chu kỳ sau thì dài hơn, có thể đến 60 phút.
Lúc này các hoạt động sóng điện não tương tự như lúc thức. Đây có thể là lý do giúp hình thành những giấc mơ. Lúc này, nhịp tim, huyết áp và hơi thở tăng trở lại. Hoạt động cơ bị ức chế tối thiểu, ngoại trừ mắt và các cơ kiểm soát hơi thở. Vai trò của quan trọng của REM là cải thiện khả năng học hỏi và ghi nhớ của não vì lúc này não xử lý, củng cố, ghi nhớ thông tin.
Bác sĩ Bảo Đính cho biết chu kỳ giấc ngủ khi trải qua đủ 4 giai đoạn sẽ tự động lặp lại một chu kỳ mới cho đến khi kết thúc thời gian ngủ. Trung bình thời gian ngủ mỗi đêm của người trưởng thành khoảng 7-9 giờ. Trẻ dưới một tuổi, mỗi ngày nên ngủ 12-16 giờ, trẻ 1-5 tuổi là 11-14 giờ. Từ 6-12 tuổi, trẻ có thể giảm còn 9-12 giờ. Thanh thiếu niên 13-18 tuổi cần ngủ đủ 8-10 giờ mỗi đêm.
Người có biểu hiện rối loạn giấc ngủ như ngủ không sâu giấc, ngủ ngáy to, thường xuyên khó ngủ, mất ngủ, mệt mỏi... nên khám và điều trị kịp thời tại chuyên khoa Thần kinh. Người bệnh có thể được đo đa ký giấc ngủ để kiểm tra, hỗ trợ chẩn đoán các bệnh liên quan và điều trị kịp thời.
Để có các giai đoạn giấc ngủ chất lượng, không nên uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích thần kinh, tránh ăn uống trước giờ ngủ hai giờ. Làm việc và nghỉ ngơi điều độ, khoa học để giảm căng thẳng, thư giãn. Vệ sinh giấc ngủ, thường xuyên tập luyện vừa sức.
Bác sĩ Đính cho biết trẻ từ 12 tuổi trở lên và người lớn có thể sử dụng các tinh chất thiên nhiên từ blueberry (việt quất), ginkgo biloba (bạch quả). Chúng góp phần tăng cường máu lên não, cải thiện chức năng thần kinh, hỗ trợ giảm căng thẳng, đau đầu, nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/dieu-gi-xay-ra-voi-co-the-trong-giac-ngu-a103980.html