Chứng minh nhân dân sẽ bị ‘khai tử’ từ năm 2025, người dân cần lưu ý những gì?

Theo quy định tại Điều 46 Luật Căn cước, do CMND sẽ bị "khai tử" từ 1/1/2025 nên công dân chỉ còn sử dụng các loại giấy tờ về căn cước như sau: CCCD mã vạch và CCCD gắn chip (còn hạn sử dụng) và thẻ Căn cước.

Chứng minh nhân dân sẽ bị ‘khai tử’ từ năm 2025, người dân cần lưu ý những gì?- Ảnh 1.

Hiện nay, người dân đang sử dụng các loại giấy tờ căn cước gồm: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 46 Luật Căn cước, do CMND sẽ bị "khai tử" từ 1/1/2025 nên công dân chỉ còn sử dụng các loại giấy tờ về căn cước như sau: CCCD mã vạch và CCCD gắn chip (còn hạn sử dụng) và thẻ Căn cước.

Đồng thời, nếu người dân đang sử dụng CCCD (mã vạch và gắn chip) nếu có yêu cầu thì có thể làm thủ tục cấp thẻ Căn cước

Chính thức "khai tử" CMND

Theo quy định chuyển tiếp tại Điều 46 Luật Căn cước, giấy CMND còn hạn sử dụng chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024.

Nghĩa là, từ năm 2025, những ai đang dùng CMND dù còn hạn hay hết hạn thì cũng không còn được sử dụng nữa. Thay vào đó, những người này phải làm thủ tục thay đổi CMND sang thẻ Căn cước theo quy định của Luật Căn cước mới nhất.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 46 Luật Căn cước có quy định, thẻ CCCD mã vạch, CCCD gắn chip hoặc CMND nếu hết hạn từ ngày 15/1/2024 đến hết ngày 15/1/2024 thì vẫn được sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Như vậy, có hai thời điểm liên quan đến CMND, CCCD mà người dân cần lưu ý:

- Sử dụng hết 30/6/2024: Áp dụng với CMND, CCCD đã hết hạn trong thời gian từ 15/01/2024 - 30/6/2024.

- Sử dụng đến hết 31/12/2024: CMND còn hạn sử dụng. Sau ngày này, tức từ 2025, mọi CMND đều phải làm thủ tục đổi sang thẻ Căn cước.

Đối tượng phải đổi sang thẻ Căn cước từ 2025

Theo khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước về độ tuổi cấp đổi thẻ Căn cước, những người có độ tuổi dưới đây phải đi đổi thẻ Căn cước: Đủ 14 tuổi, đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Do đó, trong năm 2025, những người có độ tuổi dưới đây phải cấp đổi sang thẻ Căn cước: Sinh năm 2011, sinh năm 2000, sinh năm 1985 và sinh năm 1965.

Trường hợp thẻ Căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước các độ tuổi nêu trên thì không cần phải đi đổi sang thẻ Căn cước trừ trường hợp có nhu cầu.

Theo Thông tư 59/2021/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 1/7/2021), sẽ thu lại Chứng minh nhân dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân (không còn việc cắt góc rồi trả lại).

Sử dụng CMND hết hạn, người dân có thể đối mặt với rủi ro nào?

Khi công dân làm  căn cước mới, CMND/CCCD cũ sẽ hết giá trị sử dụng. Tuy nhiên trên thực tế, không ít người dân vẫn còn giữ CMND, CCCD cũ.

Số CMND và CCCD là hai số hoàn toàn khác nhau, nếu sử dụng CMND cũ hết hiệu lực để tham gia các hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính, người dùng rất có thể sẽ gặp phải rủi ro pháp lý về sau.

Ví dụ: Hợp đồng đã ký kết sẽ bị vô hiệu do sử dụng CMND hết hiệu lực hoặc không may xảy ra tranh chấp nhưng văn bản thỏa thuận lại không được công nhận do một bên sử dụng CMND hết hạn…

Khi đã làm thẻ căn cước mới, người dân chỉ nên dùng duy nhất thẻ này trong tất cả các giao dịch, thủ tục để đảm bảo thống nhất thông tin và tránh rủi ro, tranh chấp sau này.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/chung-minh-nhan-dan-se-bi-khai-tu-tu-nam-2025-nguoi-dan-can-luu-y-nhung-gi-a103940.html