Chân thấp chân cao là hiện tượng một bên chân ngắn hơn bên còn lại. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em do bẩm sinh hoặc bệnh lý.
ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chênh lệch chiều dài giữa hai chân dưới mức 10 mm không gây ra vấn đề đáng kể và thường không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, chênh lệch chiều dài chân từ 10 mm trở lên sẽ tạo ra sự bất đối xứng trong cơ thể, có thể gây đau ở lưng dưới, khớp háng và khớp gối. Để có cảm giác thoải mái khi đứng, người bệnh buộc phải nghiêng vùng xương chậu hoặc chùng một bên gối xuống. Các bước chân không đều nhau làm người bệnh đi khập khiễng, theo thời gian có thể gây ra chứng cong vẹo cột sống. Tình trạng chân thấp chân cao kéo dài còn có thể dẫn đến thoái hóa và tổn thương khớp cùng chậu, khớp háng và khớp gối.
Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể cũng như mong muốn của người bệnh, bác sĩ chỉ định điều trị phù hợp.
Dùng đế lót giày cho chân ngắn hơn. Phương pháp này được dùng trong những trường hợp chênh lệch chiều dài hai chân 2-2,5 cm giúp tạo sự cân bằng trong quá trình di chuyển, vận động, cải thiện dáng đi và giảm đau lưng. Nhược điểm là không phải loại giày nào cũng phù hợp dùng đế lót.
Vật lý trị liệu tập trung vào các bài tập giúp giãn cơ, giảm đau, tăng cường chức năng tổng thể và phát triển kỹ năng vận động.
Phẫu thuật cân bằng chiều dài chân được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp nghiêm trọng hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Có hai hướng phẫu thuật là rút ngắn hoặc kéo dài chân.
Phẫu thuật rút ngắn chân cắt bỏ một phần xương và làm chậm sự phát triển của chân dài hơn, từ đó đạt được độ cân bằng với chân còn lại. Phẫu thuật kéo dài chân kích thích sự phát triển xương mới ở chân ngắn hơn, thường được chỉ định thực hiện ở người bệnh có chênh lệch chiều dài chân đáng kể, gây cản trở hoạt động hàng ngày. Sau phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ quy trình phục hồi chức năng, tái khám định kỳ và tập vật lý trị liệu để ngăn ngừa biến chứng.
Theo bác sĩ Học, chân thấp chân cao là bệnh lý có thể phòng ngừa. Thai phụ chăm sóc sức khỏe thai kỳ cẩn thận có khả năng giúp giảm nguy cơ xuất hiện các vấn đề về chênh lệch chiều dài chân bẩm sinh ở trẻ. Sau khi sinh, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề về cấu trúc xương và sự phát triển.
Người trưởng thành nên tham gia vào các hoạt động vận động, tập thể dục đều đặn để phát triển cơ bắp, xương khớp và cải thiện sự cân bằng của cơ thể. Kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến cấu trúc xương, đưa ra biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Xây dựng chế độ ăn uống cân đối, giàu canxi, vitamin D, protein, nhiều chất dinh dưỡng khác để hỗ trợ cho sự phát triển của xương khớp và cơ bắp.
Phi Hồng
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/cach-dieu-tri-chan-thap-chan-cao-a103812.html