Từng sử dụng hệ thống nước ngoài nhưng hỏng sau 5 năm, Việt Nam quyết tự chủ công nghệ, biến cao tốc 9.000 tỷ đồng sở hữu hầm cấp đặc biệt thành hình mẫu mới

Tuyến cao tốc gần 9.000 tỷ đồng sở hữu hầm cấp đặc biệt trở thành hình mẫu cho các tuyến cao tốc mới nhờ sở hữu công nghệ đặc biệt thông minh.

Từng sử dụng hệ thống nước ngoài nhưng hỏng sau 5 năm, Việt Nam quyết tự chủ công nghệ, biến cao tốc 9.000 tỷ đồng sở hữu hầm cấp đặc biệt thành hình mẫu mới- Ảnh 1.

Giao thông thông minh là hệ thống sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại như cảm biến, điện tử, tin học, và viễn thông để quản lý, điều hành giao thông vận tải. Bằng cách tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) vào cơ sở hạ tầng và phương tiện, nhiều quốc gia đã cải thiện hiệu quả vận hành và an toàn giao thông, giúp giảm tai nạn và hạn chế tác động môi trường.

Tại Việt Nam, trước đây, hệ thống giao thông thông minh (ITS) chỉ mới được đầu tư nhỏ lẻ trên một số tuyến cao tốc và đô thị lớn. Năm 2010, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến cao tốc đầu tiên phía Nam, được đưa vào sử dụng. Sau đó 3 năm, hệ thống ITS do nhà thầu Hàn Quốc lắp đặt được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, hệ thống gặp nhiều hỏng hóc sau 5 năm sử dụng, như đứt cáp, lỗi nguồn điện và camera, khiến bảng thông tin điện tử và hệ thống đếm xe gặp nhiều trục trặc. Đến năm 2020, hệ thống mới được sửa chữa nhưng phải thuê chuyên gia nước ngoài, rất phức tạp và tốn kém.

Đến nay, giai đoạn 1 của việc phục hồi hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã hoàn thành với kinh phí khoảng 2,7 tỷ đồng, sử dụng công nghệ nội địa. Hệ thống đã kích hoạt 6 bảng hiển thị VMS và LCS trên tuyến chính dài 40 km, cùng 45 màn hình tại Trung tâm quản lý điều hành ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục sửa chữa 8 bảng VMS và LCS, toàn bộ camera dọc tuyến và thiết bị đo đếm xe trên đường dẫn vào cao tốc. Đồng thời, các lỗi còn lại của hệ thống sẽ được khắc phục để đảm bảo tính năng đa dạng phần cứng và phần mềm. Tổng kinh phí cho giai đoạn 2 ước tính khoảng 11 tỷ đồng.

Thực tế, Việt Nam đã rất nỗ lực nghiên cứu để tự làm chủ công nghệ ITS. Hiện nay, cả nước mới chỉ có 8/34 tuyến cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS.

Tính đến nay, tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo vừa được khánh thành vào ngày 28/4/2024, là dự án đầu tiên trên tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 có hệ thống ITS hiện đại tích hợp cả phần đường và hầm Núi Vung.

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, với chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng 194. Trên tuyến có 4 trạm thu phí gồm Cam Thịnh, Du Long, Phan Rang và nút giao Vĩnh Hảo.

Đáng chú ý, việc triển khai hệ thống ITS tại dự án đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo không chỉ là bước tiến quan trọng trong hiện đại hóa hệ thống giao thông của Việt Nam mà còn là hình mẫu cho các dự án tương lai.

Hệ thống ITS trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo bao gồm các hợp phần như hệ thống điện, quạt thông gió, PCCC, điện chiếu sáng, CCTV và phát hiện sự cố, biển báo giao thông điện tử và đèn tín hiệu, hệ thống thu phí ETC… Trong đó, hệ thống CCTV trên tuyến bao gồm 21 camera PTZ, 1 camera FIX và 5 camera VDS giám sát, bố trí mỗi điểm cách nhau 2km để thu thập thông tin trên tuyến gửi về trung tâm điều khiển.

Đặc biệt, trên tuyến có hầm núi Vung dài 2.250m là hầm cấp đặc biệt. Trong hầm có hệ thống ITS bao gồm 11 camera PTZ, 38 camera FIX và 4 camera VDS giám sát và thu thập thông tin, đưa các cảnh báo về trung tâm cho đơn vị vận hành. “Đối với các hầm có quy mô trên 500m, thường khi vào hầm sẽ bị mất sóng điện thoại, do đó hầm được trang bị hệ thống điện thoại khẩn cấp, hệ thống FM và radio, phát thanh chuyển tiếp… để liên lạc và xử lý sự cố trong công tác quản lý vận hành không bị gián đoạn.

Cùng với đó, trung tâm điều hành - giám sát giao thông sẽ tổng hợp tín hiệu từ các thiết bị ngoại vi trong hầm và ngoài tuyến (CCTV, VMS, cảm biến...) để đưa ra các kịch bản vận hành hợp lý, kịp thời, đảm bảo an toàn. Đồng thời được tích hợp tính năng sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phân tích tình huống, hỗ trợ người giám sát giao thông đưa ra quyết định phù hợp khi xảy ra sự cố.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tung-su-dung-he-thong-nuoc-ngoai-nhung-hong-sau-5-nam-viet-nam-quyet-tu-chu-cong-nghe-bien-cao-toc-9000-ty-dong-so-huu-ham-cap-dac-biet-thanh-hinh-mau-moi-a103600.html