Vì sao giá cau tươi đột ngột "tuột dốc không phanh"?

Thời gian qua, giá cau tại tỉnh Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung liên tục lập đỉnh với giá 90.000 đồng/kg, nay bỗng nhiên đột ngột "tuột dốc không phanh". Lý do vì sao?

Giá cao trên đà "lao dốc"

Hai huyện Sơn Tây và Nghĩa Hành là vùng trồng cau lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi với khoảng 2.200 hecta. Mấy tháng qua, giá cau liên tục tăng. Đầu vụ, giá cau khoảng 50 - 60 nghìn đồng/kg. Lúc cao nhất giá cau lên hơn 90 ngàn đồng/kg. Nhờ vậy, các gia đình trồng cau có thu nhập cao, có hộ thu về cả tỷ đồng, theo VOV.

Vì sao giá cau tươi đột ngột "tuột dốc không phanh"?- Ảnh 1.

Những chùm cau trĩu quả nhưng luôn bấp bênh

Vì sao giá cau tươi đột ngột "tuột dốc không phanh"?- Ảnh 2.

Người dân cân cau bán cho thương lái

Vì sao giá cau tươi đột ngột "tuột dốc không phanh"?- Ảnh 3.

Người dân chở cau bán cho thương lái những ngày cao điểm

Vì sao giá cau tươi đột ngột "tuột dốc không phanh"?- Ảnh 4.

Những chùm cau nặng trĩu có giá cao lúc đầu vụ

Thế nhưng, trong những ngày gần đây, việc tiêu thụ cau bắt đầu “chững lại”. Giá cau cũng giảm dần và thương lái cũng dè chứng, không dám mua vào vì sợ không bán được.

Anh Trương Văn Phượng, chuyên mua cau cho biết, cau chỉ bán cho các đầu mối xuất khẩu qua Trung Quốc. Hiện nay, giá cau chỉ còn khoảng 50- 60 ngàn đồng/ kg. Nhưng đáng lo là các đầu mối không mua nhiều như trước nữa.

Anh Phượng cho biết: “3 ngày nay giá cau hạ hơn trước và cũng chưa biết họ có mua lại nữa hay không. đến 4 ngày nay thôi chứ lúc trước vẫn mua được. Có mấy điểm mua lẻ dọc đường mua cho lò là người ta không mua nữa. Chỉ mấy lò chính họ có vốn bao nhiêu thì họ mua cho mấy mối quen thôi thì họ mua vớt cho mấy bạn hàng của họ thôi, chứ người lạ họ không mua”.

"Trung Quốc không còn nhập nhiều như trước. Chúng tôi cũng hạn chế mua để dò giá. Giờ tiếp tục mua sấy mà nếu chẳng may giá giảm tiếp là ốm đòn", một chủ lò cau ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) nói.

Tại các huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi có diện tích trồng cau lớn như Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Tịnh… giá cũng đang lao dốc.

Cách đây ba ngày, các lò sấy thu cau tươi giá 85.000 - 90.000 đồng/kg, nay còn 70.000 - 75.000 đồng/kg và có lò mua, lò ngừng.

Bà Lê Thị Vân (xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa) nói nhà có hơn 20 cây cau đang cho trái đến kỳ thu hoạch nhưng người hái cau lâu nay "bám vườn năn nỉ" không đến hái.

"Tôi có điện hỏi, thợ hái cau nói thông cảm để ít hôm nữa giá ổn định sẽ đến. Ông ấy nói hôm qua bẻ hơn ba tạ cau, chở đến lò bán thì lỗ 3.000 đồng/kg", bà Vân nói, theo Tuổi trẻ .

Do Trung Quốc "quay xe"?
Vì sao giá cau tươi đột ngột "tuột dốc không phanh"?- Ảnh 5.

Xử lý cau sau khi sấy

Anh H., một thương lái làm việc trực tiếp với đối tác Trung Quốc, lý giải nguyên nhân Trung Quốc dừng nhập cau từ Việt Nam bởi nhiều công ty đã đủ nguyên liệu sản xuất, vài công ty chưa đủ vẫn nhập nhưng số lượng ít.

"Phía Trung Quốc hiện đang ngừng nhập cau từ Việt Nam, họ chỉ còn nhập những lô cuối cùng mà họ đã cọc tiền cho các lò sấy cau ở Việt Nam trước đây. Những ngày tới khả năng cao là giá tiếp tục giảm hoặc Trung Quốc sẽ ngừng nhập", anh H. nói, theo VOV.

Vì sao giá cau tươi đột ngột "tuột dốc không phanh"?- Ảnh 6.

Những rẫy cau bạt ngàn

Vì sao giá cau tươi đột ngột "tuột dốc không phanh"?- Ảnh 7.

Hiện tốc độ mua chậm nên các thương lái tạm dừng mua cau

Cũng theo anh H., nhiều người Trung Quốc đến trực tiếp vựa cau ở Quảng Ngãi thu mua cũng "ngồi chơi xơi nước", liên tục cập nhật tình hình từ các công ty Trung Quốc.

"Cau hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên hên xui lắm. Ớn nhất là đang giá cao thì họ không mua", anh H. thông tin.

Vì sao giá cau tươi đột ngột "tuột dốc không phanh"?- Ảnh 8.

Cau được vặt quả sơ chế rồi sấy

Trao đổi với PV, lãnh đạo huyện Sơn Tây xác nhận giá cau đang giảm và khó bán. Rất may hiện đang là cuối mùa, cau trái tại vườn không nhiều.

Theo ông Đàm Bàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, cây cau không phải là cây trồng chủ lực và địa phương không khuyến khích người dân trồng cau.

Thị trường tiêu thụ quả cau rất bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Cứ năm nào cau được giá là bà con lại ồ ạt trồng cau, sau vài vụ không bán được thì chặt bỏ. Ông Đàm Bàng cho biết thêm: “Cây cau ở huyện Nghĩa Hành đầu ra không ổn định. Người ta mua chỉ qua thương lái bên Trung Quốc. Họ mua thì được giá mà không mua thì dân lại chặt phá. Do vậy huyện không khuyến khích trồng cây và trong quá trình cơ cấu ngành nông nghiệp cũng không đưa cây cau vào quy hoạch để trồng cau, vì cây cau đầu ra không ổn định”.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/vi-sao-gia-cau-tuoi-dot-ngot-tuot-doc-khong-phanh-a103274.html