Năm biện pháp hỗ trợ kiểm soát dịch đậu mùa khỉ

Các biện pháp vaccine, thuốc, điều kiện chăm sóc, chẩn đoán, truyền thông khi thực hiện đồng bộ sẽ giúp giảm số nhiễm và tử vong do đậu mùa khỉ.

Đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan tại nhiều quốc gia châu Phi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê đến ngày 13/10, 16 quốc gia đã báo cáo thêm ca mắc mới. Hai quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất gồm Cộng hòa Congo ghi nhận hơn 6.000 ca nhiễm, 25 ca tử vong; Burundi với hơn 980 ca nhiễm.

Theo Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Gavi, các nỗ lực phòng chống đậu mùa khỉ đang tập trung vào vaccine, song gặp rào cản về nguồn lực, cơ sở hạ tầng... Vì vậy, các quốc gia cần kết hợp nhiều biện pháp để chấm dứt dịch bệnh.

Vaccine

Hiện chưa có vaccine ngừa đậu mùa khỉ được WHO phê duyệt. Một số quốc gia sử dụng vaccine đậu mùa để thay thế, cũng giúp tạo miễn dịch chéo và giúp kiểm soát ca nhiễm. Như vaccine Ankarra do Bavarian Nordic phát triển, hiệu quả ngăn nhiễm trùng khoảng 76% với một mũi tiêm, tăng lên 82% sau liều thứ hai.

Cả vaccine đậu mùa khỉ đang thử nghiệm và loại phòng đậu mùa đều cần thách thức thêm về khả năng bảo vệ ở các nhóm khác nhau, ví dụ trẻ em và người suy giảm miễn dịch, hiệu quả ngăn chủng đậu mùa khỉ Clade 1 đang gây ra những đợt bùng phát lớn hiện nay. Những đợt triển khai vaccine khẩn cấp cũng cần thu thập nhiều dữ liệu về hiệu quả vaccine, đóng vai trò quan trọng trong định hình chiến lược tiêm chủng nếu dịch bệnh tiếp tục bùng phát.

Một bác sĩ cầm lọ vaccine đậu mùa khỉ tại trung tâm thông tin miễn phí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chẩn đoán (CeGIDD) ở Montpellier, miền Nam nước Pháp. Ảnh: AFP

Một bác sĩ cầm lọ vaccine đậu mùa khỉ tại trung tâm thông tin miễn phí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chẩn đoán (CeGIDD) ở Montpellier, miền Nam nước Pháp. Ảnh: AFP

Thuốc

Đậu mùa khỉ không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu chăm sóc và kiểm soát triệu chứng đau, sốt, phát ban trên da để giảm nguy cơ sẹo, nhiễm trùng, tránh bội nhiễm. Các nhà khoa học cũng thử nghiệm một số loại thuốc kháng virus để điều trị bệnh.

Ví dụ thử nghiệm Palm007 đánh giá hiệu quả thuốc tecovirimat, kết quả sơ bộ hồi tháng 8 cung cấp một số manh mối về việc giảm tử vong do bệnh, song chưa giúp giảm thời gian tổn thương da ở trẻ em và người lớn. Vài công ty đang đánh giá thuốc kháng virus khác trong điều trị đậu mùa khỉ, như brincidofovir và cidofovir, hoặc immunoglobulin vaccinia tiêm tĩnh mạch (IVIG) được tinh chế từ huyết tương của những người hiến tặng khỏe mạnh đã chủng ngừa đậu mùa.

Cải thiện chăm sóc

Thử nghiệm Palm007 chỉ ra tecovirimat không có tác dụng giảm thời gian mắc bệnh, song cho thấy tỷ lệ tử vong chung sau khi dùng thuốc hoặc giả dược là 1,7%, chỉ bằng khoảng một nửa tỷ lệ tử vong chung tại Cộng hòa Congo. Nguyên nhân cụ thể chưa được đưa ra, chuyên gia phán đoán do tất cả bệnh nhân trong nghiên cứu đều phải nằm viện để đảm bảo có đủ thức ăn và thu thập dữ liệu chính xác. Họ được chăm sóc tốt hơn so với những người bệnh khác.

Chẩn đoán

Xét nghiệm rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại đậu mùa khỉ. Khi xác định ca nhiễm nhanh, chuẩn xác, có thể cách ly người bệnh trước khi mầm bệnh tiếp tục lây lan, đồng thời truy vết nhanh chóng hơn.

Hiện xét nghiệm chẩn đoán được thực hiện bằng cách lấy mẫu tổn thương da, xét nghiệm PCR để phát hiện DNA của virus. Gavi cho rằng cần bổ sung thêm một số xét nghiệm khác có tốc độ nhanh và đơn giản hơn, nhằm giảm thời gian truy vết.

Truyền thông về sức khỏe cộng đồng

Chuyên gia y tế cần có những chiến lược sáng tạo hơn để truyền đạt thông tin về bệnh và biện pháp phòng chống tới cộng đồng, đặc biệt khi khi chủng Clade 1b mới có triệu chứng mới so với các dạng đậu mùa khỉ trước đó.

Như giới chức Cộng hòa Congo phải chống lại thông tin sai lệch về bệnh và vaccine. Người bệnh tìm đến thầy lang, thầy pháp để chữa bệnh thay vì tìm kiếm bác sĩ và cơ sở y tế. 56% người dân ở quốc gia này từng nghe đến virus đậu mùa khỉ, tuy nhiên họ không muốn tiêm vaccine. Gavi đánh giá tình trạng này cần cải thiện sớm, để tránh các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng.

Chi Lê

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nam-bien-phap-ho-tro-kiem-soat-dich-dau-mua-khi-a103260.html