Khâu vòng cổ tử cung ngăn thai dọa sinh non

TP HCMChị Thùy, 35 tuổi, mang thai 20 tuần dọa sảy thai do cổ tử cung ngắn, phải khâu để giữ thai.

Chị Thùy mang thai lần hai, mới đây vùng kín tiết dịch bất thường nên đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 kiểm tra. Lần sinh đầu chị mất con do sinh non lúc 25 tuần.

Ngày 18/10, BS.CKII Hà Thị Hồng Cúc, Đơn vị Sản Phụ khoa, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết chiều dài cổ tử cung chị Thùy còn 20 mm, nguy cơ dọa sinh non. Bình thường cổ tử cung của phụ nữ khi mang thai khoảng 30-50 mm. Chiều dài cổ tử cung dưới 25 mm trước tuần thai 24 được xem là chiều dài cổ tử cung ngắn, cần điều trị để phòng nguy cơ sẩy thai, sinh non.

Tương tự, chị Oanh, 38 tuổi, mang thai lần ba được 22 tuần, đi khám thai khi dấu hiệu bụng gò nhiều. Qua siêu âm, bác sĩ phát hiện chiều dài cổ tử cung của thai phụ ngắn còn 18 mm.

Đây là hai trong nhiều trường hợp thai phụ phát hiện nguy cơ dọa sinh non nhờ dấu hiệu tiết dịch vùng kín bất thường và chủ động khám thai sớm.

Thai phụ khám thai định kỳ tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7. Ảnh minh họa: Huyền Vũ

Thai phụ khám thai định kỳ tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7. Ảnh minh họa: Huyền Vũ

Những bà mẹ có tiền sử sinh non được bác sĩ khuyến cáo siêu âm ngả âm đạo đo chiều dài cổ tử cung bắt đầu từ tuần 16 đến 24 thai kỳ. Tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thai phụ được siêu âm hình thái thai nhi sớm ở tuần 16-18 và ở quý hai (20-25 tuần), bác sĩ đo chiều dài cổ tử cung tầm soát. Siêu âm là phương pháp đầu tay sàng lọc nguy cơ sinh non hiệu quả, giúp bác sĩ có kế hoạch phòng ngừa sinh non, nhất là trong trường hợp thai phụ có tiền căn sảy thai liên tiếp.

Êkíp phẫu thuật khâu vòng cho thai phụ Oanh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Tuệ Diễm

Êkíp phẫu thuật khâu vòng cho thai phụ Oanh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Tuệ Diễm

Chị Thùy và Oanh được phẫu thuật khâu để thu hẹp lỗ trong cổ tử cung, bảo vệ an toàn cho thai nhi trong bụng. Phương pháp này cũng có tác dụng dự phòng cổ tử cung mở ra quá sớm ở thời điểm em bé chưa có khả năng sống.

Sau thủ thuật, thai nhi phát triển khỏe mạnh, người mẹ được theo dõi khoảng ba ngày rồi xuất viện. Bác sĩ khuyên cả hai thai phụ nghỉ ngơi tại nhà, tránh làm việc nặng, kiêng quan hệ tình dục, tái khám theo lịch hẹn.

Khâu vòng tử cung được chỉ định cho phụ nữ có tiền sử sảy thai to hoặc sinh non trước 28 tuần, khoét chóp hoặc sinh thiết lõi cổ tử cung, chiều dài cổ tử cung ngắn dưới 25 mm ở tuổi thai dưới 24 tuần. Phương pháp này được khuyến cáo nên thực hiện tốt nhất ở tuổi thai 14-18 tuần. Ở thời điểm trễ sau 24 tuần, khâu cổ tử cung có nguy cơ vỡ ối cao, dọa sinh non.

Bác sĩ Hồng Cúc cho biết sinh non là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong sơ sinh và di chứng lâu dài cho trẻ non tháng, khoảng 50% trường hợp sinh non không tìm được nguyên nhân. Nhiều nghiên cứu chỉ ra bà mẹ đã có một lần sinh non, thai phụ mang đa thai, gặp vấn đề ở tử cung hoặc cổ tử cung (tử cung dị dạng, nhân xơ ở eo tử cung), nhiễm trùng, tăng huyết áp, đái tháo đường... dễ sinh non. Làm việc quá sức khi mang thai, căng thẳng, trầm cảm, béo phì, mang thai ở độ tuổi quá nhỏ hoặc quá lớn tuổi cũng là yếu tố nguy cơ.

Những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sinh non nên đi khám như đau lưng, cảm nhận bụng tụt, sưng phù ở tay chân hoặc mặt, trằn bụng, liên tục đau phần bụng dưới, âm đạo tiết nhiều dịch lỏng hoặc máu...

Tuệ Diễm

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/khau-vong-co-tu-cung-ngan-thai-doa-sinh-non-a103074.html