Nghiên cứu do công ty quản lý hồ sơ sức khỏe Epic thực hiện, công bố ngày 15/10 cho thấy người sinh ra là con cả hoặc con một có khả năng mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm từ khi 8 tuổi. Các nhà khoa học phân tích dữ liệu của hơn 182.000 trẻ 8 tuổi tại Mỹ - độ tuổi được khuyến nghị bắt đầu sàng lọc các dấu hiệu mắc bệnh tâm lý, theo hướng dẫn của Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Mỹ.
Kết quả cho thấy so với những trẻ sinh sau, con cả có nguy cơ bị chẩn đoán lo âu cao hơn 48% và trầm cảm cao hơn 35%. Tương tự, trẻ không có anh chị em ruột có nguy cơ mắc chứng lo âu cao hơn 42% và trầm cảm cao hơn 38% so với trẻ có anh chị em ruột.
Các nhà nghiên cứu chưa kết luận về nguyên nhân khiến con cả và con một dễ mắc chứng lo âu và trầm cảm. Nghiên cứu này được công bố trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở giới trẻ ngày càng gia tăng.
Năm 2021, tiến sĩ Vivek H. Murthy, Tổng Y sĩ Mỹ, đưa ra cảnh báo 53 trang về những thách thức mà giới trẻ phải đối mặt và sự tàn phá sức khỏe tâm thần của họ. Cùng năm, Học viện Nhi khoa Mỹ, Học viện Tâm thần Trẻ em và Vị thành niên Mỹ cùng Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng - đại diện cho hơn 77.000 bác sĩ và hơn 200 bệnh viện nhi, nhận định những thách thức về sức khỏe tâm thần của trẻ em trong đại dịch là "tình trạng khẩn cấp quốc gia".
Năm 2022, Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Mỹ khuyến nghị sàng lọc lo âu cho trẻ em từ 8 tuổi. Các chuyên gia lưu ý gần 8% trẻ em từ 3 đến 17 tuổi đang mắc chứng rối loạn lo âu. Trẻ em dưới 18 tuổi mắc chứng rối loạn lo âu có "khả năng cao tiếp tục mắc bệnh này và trầm cảm trong tương lai".
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, rối loạn lo âu có thể dẫn đến né tránh, hoảng loạn, lo lắng quá mức hoặc các triệu chứng khác. Bất cứ ai cũng có thể bị lo lắng, nhưng khi các triệu chứng trở nên quá mức đến mức chúng liên tục ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày, thì đó có thể là một chứng rối loạn lo âu.
Giống như hầu hết tình trạng sức khỏe tâm thần, lo âu có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Ở trẻ em, các triệu chứng lo âu có thể bao gồm gián đoạn giấc ngủ hoặc khó ngủ, tức giận, cáu kỉnh và hành vi đeo bám. Trẻ cũng biểu hiện các triệu chứng thể chất như đau bụng hoặc đau đầu.
Các phương pháp điều trị chứng lo âu bao gồm trị liệu cho trẻ em và trị liệu gia đình. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, duy trì lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống điều độ, hoạt động thể chất và ngủ đủ giấc cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng lo âu.
Thục Linh (Theo GMA)
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/con-mot-va-con-ca-de-bi-tram-cam-a103073.html