Yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung

Lạm dụng thuốc tránh thai, nhiễm HPV, hút thuốc lá... có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Ngày 17/10, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, thêm rằng ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ, thường gặp ở nhóm trên 30 tuổi. Theo Globocan 2022, Việt Nam ghi nhận khoảng 4.600 ca mắc mới bệnh này mỗi năm, trong đó hơn 2.500 ca tử vong. Bác sĩ Chính nêu 4 yếu tố khiến nữ giới tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung:

Nhiễm HPV

Virus HPV (Human Papillomavirus) gây u nhú ở người, chủ yếu lây qua đường tình dục. 90-100% ca ung thư cổ tử cung có HPV dương tính. Một số chủng HPV nguy cơ cao gây ung thư gồm 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58 và 59. Trong đó type 16 và 18 gây ra hơn 70% ca ung thư cổ tử cung.

Virus gây biến đổi tế bào trong lớp biểu mô của cổ tử cung, phát triển tổn thương tiền ung thư. Sau nhiều năm hoặc khi tái nhiễm dai dẳng, bệnh ung thư hình thành. Giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, diễn tiến âm thầm, bệnh nhân khó phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

HPV lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục, do đó quan hệ tình dục sớm cũng khiến khả năng mắc ung thư cổ tử cung cao hơn. Ngoài ra, virus lây qua tiếp xúc gián tiếp hoặc từ mẹ sang con.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Ảnh: Vecteezy

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Ảnh: Vecteezy

Lạm dụng thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai chứa estrogen. Hormone này gây nhiều tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài, như tăng nguy cơ ung thư vú, gan, đồng thời thay đổi tế bào cổ tử cung dẫn tới tăng khả năng nhiễm HPV cao hơn.

WebMD dẫn nghiên cứu cho thấy, người sử dụng thuốc tránh thai đường uống trong 5 năm trở lên, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn những người chưa từng sử dụng. Nguy cơ này tăng 10% khi sử dụng dưới 5 năm, 60% khi sử dụng trong 5-9 năm và tăng gấp đôi khi sử dụng từ 10 năm trở lên, giảm dần khi dừng sử dụng.

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn 25%, theo nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Bắc Kinh xuất bản năm 2022, thực hiện trên hơn 500.000 phụ nữ Trung Quốc 30-79 tuổi giai đoạn 2004-2008. Người tiếp xúc khói thuốc lá gián tiếp và trực tiếp, tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung lên 29%.

Trước đó, nghiên cứu xuất bản năm 2021 của các chuyên gia Hà Lan, kết luận hút thuốc là một yếu tố gây ra chứng loạn sản biểu mô cổ tử cung (tiền ung thư) và ung thư. Phụ nữ hút thuốc càng nhiều và càng lâu, nguy cơ tiền ung thư và ung thư cổ tử cung càng cao.

Mang thai và sinh con khi dưới 17 tuổi

Phụ nữ chưa tròn 18 tuổi, mang thai và sinh con sớm, có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung. Viện Nghiên cứu Ung thư Anh dẫn một phân tích gộp, chỉ ra nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn 77% nếu sinh con và mang thai dưới 17 tuổi, cao hơn nhiều lần so với người mang thai khi 25 tuổi trở lên.

Ngoài ra, số lần sinh con cũng tác động đến tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung. Người có một lần mang thai đủ tháng, nguy cơ mắc ung thư cao hơn 15% so với người chưa từng mang thai. Những người mang thai 7 lần trở lên, nguy cơ mắc lên đến 64%, so với nhóm chỉ mang thai 1-2 lần. Nguyên nhân do sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai hoặc chấn thương cổ tử cung trong quá trình sinh đẻ.

Ung thư cổ tử cung xảy ra ở tế bào lót của cổ tử cung. Khối u xâm lấn cơ quan xung quanh, thường di căn đến bàng quang, phổi, âm đạo, trực tràng. Bệnh tiến triển âm thầm trong thời gian dài, thường phát hiện muộn dẫn tới khó điều trị, nguy cơ tử vong cao.

Người lớn tiêm vaccine HPV ở VNVC. Ảnh: VNVC

Người lớn tiêm vaccine HPV ở VNVC. Ảnh: VNVC

Để phòng bệnh, bác sĩ Chính khuyến cáo phụ nữ nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, có thể xét nghiệm sàng lọc để tầm soát ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, tiêm ngừa HPV sẽ tăng hiệu quả phòng bệnh.

Việt Nam hiện có hai loại vaccine HPV gồm Gardasil và Gardasil 9. Hai vaccine phòng ngừa mụn cóc sinh dục và các bệnh lý ung thư, trong đó có ung thư cổ tử cung do 9 type virus gồm 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58.

Vaccine hiệu quả tốt nhất ở người 9-14 tuổi, có thể chủng ngừa khi 45 tuổi, phác đồ khác nhau theo từng lứa tuổi. Người dưới 15 tuổi cần tiêm hai mũi, các mũi cách nhau tối thiểu 6 tháng. Người 15-45 tuổi tiêm ba mũi trong vòng 6 tháng.

Ngoài tiêm vaccine, một số biện pháp phòng bệnh khác gồm quan hệ tình dục an toàn, tăng cường sức khỏe tổng thể với chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi hợp lý, không lạm dụng thuốc tránh thai...

Diệu Thuần

20h ngày 18/10, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Vaccine HPV - Tặng món quà sức khỏe nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10". Chương trình cho các chuyên gia:

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.
ThS.BS Kiều Lệ Biên, Bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM
Bà Nguyễn Dương Khánh Vy, Quản lý Chăm sóc Khách hàng, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC

Chương trình được phát sóng trên các kênh truyền thông của VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phòng khám dinh dưỡng Nutrihome. Độc giả đặt câu hỏi tại đây.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/yeu-to-tang-nguy-co-mac-ung-thu-co-tu-cung-a103067.html