Những thói quen ăn uống dễ gây sỏi thận

Uống ít nước, sử dụng nhiều cà phê, thực phẩm đóng hộp, nước ngọt, đạm động vật làm tăng nguy cơ mất nước và kết tinh các khoáng chất gây sỏi.

Sỏi thận hình thành khi các khoáng chất và muối lắng đọng, kết tinh trong thận. Tình trạng này thường do cơ thể không có đủ chất lỏng hoặc quá nhiều chất thải rắn trong nước tiểu. Thói quen tiêu thụ một số loại thực phẩm và thức uống dưới đây làm tăng khả năng phát triển sỏi thận.

Uống ít nước

Mất nước là yếu tố nguy cơ chính gây sỏi thận. Khi nước tiểu chứa nhiều chất lỏng hơn, khả năng khoáng chất và muối kết tụ với nhau, hình thành sỏi thấp hơn. Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt, nếu sẫm màu hơn là dấu hiệu mất nước.

Các bác sĩ thường khuyên mọi người uống 6-8 cốc nước mỗi ngày. Lượng chất lỏng nên được phân bổ đều trong suốt cả ngày. Chất lỏng có thể bao gồm nước lọc, nước khoáng, trà hoa quả, nước ép, quả nhiều nước như dưa hấu. Uống ít rượu để phòng tránh mất nước.

Ăn nhiều muối

Muối có thể gây tích nước và dẫn đến mất nước. Một số thực phẩm có hàm lượng muối cao dễ khiến sỏi thận hình thành như thịt nguội, thực phẩm chế biến sẵn, khoai tây chiên, súp đóng hộp... Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo lượng muối mỗi ngày của người trưởng thành dưới 2.300 mg, tương đương khoảng một thìa cà phê muối ăn.

Thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, xúc xích thường chứa nhiều muối. Ảnh: Ngọc Phạm

Thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, xúc xích thường chứa nhiều muối. Ảnh: Ngọc Phạm

Ăn nhiều thực phẩm chứa oxalate

Sỏi thận có thể hình thành từ nhiều hợp chất khác nhau như axit uric, struvite và cysteine. Loại sỏi thận phổ biến nhất là canxi oxalate. Thực phẩm có chứa hàm lượng oxalate cao như nước ép bưởi và nam việt quất, khoai tây, đậu nành, rau cải bó xôi, một số loại hạt như hạt điều, đậu phộng, chocolate, củ cải đường, măng tây. Hầu hết quả mọng, cần tây, rau mùi tây, ngũ cốc nguyên hạt, trà có oxalate.

Ăn thực phẩm chứa canxi cùng oxalate giảm nguy cơ sỏi thận bằng cách liên kết các hóa chất với nhau trước khi chúng đến thận. Các bác sĩ thường chỉ khuyến cáo hạn chế lượng oxalate ở người có nguy cơ cao bị sỏi thận hoặc người có mức oxalate cao.

Lạm dụng cà phê

Caffeine làm tăng tốc quá trình trao đổi chất và dễ gây mất nước. Giới hạn được khuyến nghị cho người lớn là 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương 4 tách cà phê. Lưu ý một số loại soda, chocolate, trà và thức uống tăng lực cũng có thể chứa caffeine.

Uống cà phê quá nhiều có thể gây mất nước tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Ảnh: Bảo Bảo

Uống cà phê quá nhiều có thể gây mất nước tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Ảnh: Bảo Bảo

Uống nhiều nước ngọt

Một số nghiên cứu đã liên kết đồ uống có đường, nhất là những loại chứa sirô ngô có hàm lượng đường fructose cao, với sự phát triển của sỏi thận. Ít nhất một nửa lượng chất lỏng mà một người uống phải là nước tinh khiết. Dùng nhiều đồ uống có đường và soda làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Không cung cấp đủ canxi cho cơ thể

Tăng lượng canxi từ chế độ ăn giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi canxi oxalate. Hầu hết sản phẩm từ sữa, nước cam, cá đóng hộp có xương, đậu phụ, một số loại ngũ cốc đều cung cấp canxi.

Ăn nhiều thực phẩm có tính axit cao

Nước tiểu có tính axit cao làm tăng nguy cơ sỏi thận axit uric và khiến việc đào thải sỏi gây đau đớn hơn. Lượng axit cao trong nước tiểu cũng thúc đẩy thận tái hấp thu citrate thay vì bài tiết nó. Citrate là hợp chất có thể đào thải sỏi canxi cũng như suy yếu sự phát triển của chúng.

Thực phẩm có tính axit cao như thịt đỏ, thịt gia cầm, hầu hết các loại cá, pho mát, trứng. Mọi người không cần phải tránh hoàn toàn các thực phẩm này vì chúng là nguồn protein tốt. Chỉ nên theo dõi và hạn chế lượng tiêu thụ nếu thường xuyên bị sỏi thận. Protein động vật nên giảm ở mức khoảng 150 g mỗi ngày.

Anh Ngọc (Theo Medical News Today)

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nhung-thoi-quen-an-uong-de-gay-soi-than-a103062.html