Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư, sử dụng các loại thuốc nhắm vào và tiêu diệt các tế bào ung thư phân chia nhanh. Dù có hiệu quả cao song phương pháp này cũng có thể gây ra các tác dụng phụ đáng kể đến khả năng sinh sản ở nam giới. Nguy cơ vô sinh khác nhau từng người, tùy thuộc một số yếu tố như loại ung thư, loại và liều lượng thuốc hóa trị, quá trình điều trị, tuổi, sức khỏe tổng thể, thời gian bắt đầu cố gắng có con kể từ khi chữa ung thư.
Thuốc hóa trị không phân biệt giữa các tế bào ung thư và các tế bào phân chia nhanh khác trong cơ thể, bao gồm các tế bào trong tinh hoàn chịu trách nhiệm sản xuất tinh trùng. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề như giảm số lượng và khả năng di chuyển, gây ra các bất thường về kích thước, hình dạng, thậm chí thay đổi cấu tạo di truyền của tinh trùng.
Các tác động lên tinh trùng và tinh hoàn cũng có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nói chung. Hóa trị có thể gây ra rối loạn cương dương (ED), do làm tổn thương các dây thần kinh và mạch máu ở dương vật, vốn rất quan trọng đối với sự cương cứng.
Tổn thương tinh hoàn có thể gây vô sinh tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy vào mức độ tổn thương và mức độ phục hồi của tinh hoàn sau khi điều trị. Theo nghiên cứu tổng hợp năm 2019 của Viện Ung thư tại Boston, Mỹ, chưa đến 1/3 nam giới đang trải qua hóa trị liệu hồi phục sức khỏe tinh trùng và chức năng tinh hoàn bình thường.
Vô sinh tạm thời là hệ quả phổ biến đối với nam giới đang hóa trị do giảm sản xuất tinh trùng trong quá trình điều trị. Thuốc hóa trị có thể làm hỏng tinh trùng và tế bào mầm phát triển thành tinh trùng.
Sau khi kết thúc hóa trị, quá trình sản xuất tinh trùng có thể dần trở lại. Mốc thời gian phục hồi khác nhau và có thể mất vài năm, tùy thuộc vào phản ứng của từng người với quá trình điều trị và sức khỏe tổng thể. Những nam giới đang có ý định có con nên xét nghiệm tinh dịch thường xuyên để theo dõi quá trình phục hồi và xác định thời điểm an toàn.
Vô sinh vĩnh viễn xảy ra khi hóa trị gây ra tổn thương không thể phục hồi cho tinh hoàn, dẫn đến giảm sản xuất tinh trùng hoàn toàn và kéo dài. Tình trạng này có thể là hệ quả của liều lượng hóa trị cao hoặc sử dụng một số loại thuốc đặc biệt có hại cho các tế bào sinh sản.
Nghiên cứu trên một nhóm bệnh nhân ung thư trẻ tuổi tại Nhật Bản năm 2023 cho thấy 15-30% nam giới sống sót sau ung thư bị mất khả năng sinh sản. Họ không còn khả năng thụ thai tự nhiên nếu không có sự can thiệp y tế như các công nghệ hỗ trợ sinh sản.
Trước khi bắt đầu hóa trị, nam giới nên chủ động bảo tồn khả năng sinh sản của mình. Phương pháp phổ biến nhất là đông lạnh tinh trùng. Với phương pháp này, các chuyên gia thu thập tinh binh thông qua xuất tinh, sau đó phân tích, đông lạnh và lưu trữ trong ngân hàng tinh trùng. Khi muốn có con, nam giới có thể rã đông tinh trùng và thực hiện các kỹ thuật như bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Mẫu tinh trùng có thể được thu thập nhiều lần để đảm bảo đủ số lượng sử dụng trong tương lai. Nếu nam giới không thể xuất mẫu tinh dịch hoặc có số lượng tinh trùng thấp, bác sĩ có thể đề nghị vi phẫu để lấy tinh trùng từ tinh hoàn.
Đông lạnh mô tinh hoàn là một phương pháp khác dành cho nam giới trước tuổi dậy thì không thể sản xuất mẫu tinh dịch. Phương pháp này bao gồm phẫu thuật cắt một phần nhỏ mô tinh hoàn có thể sản xuất tế bào tinh trùng và đông lạnh để sử dụng trong tương lai. Mục đích là cấy lại mô hoặc sử dụng nó để tạo ra tinh trùng trong phòng thí nghiệm khi cá nhân đó muốn có con.
Anh Ngọc (Theo Medical News Today)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/hoa-tri-gay-vo-sinh-nam-nhu-the-nao-a103059.html