Tại sao đau thận sau uống rượu?

Uống nhiều rượu có thể khiến lượng lớn chất độc hại tích tụ gây tổn thương thận cấp tính hoặc làm mất nước dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.

Uống rượu vừa phải không gây đau thận, nhưng uống một lượng rượu lớn chỉ trong vài giờ hoặc thường xuyên có thể gây ra các vấn đề về thận.

Tổn thương thận cấp tính

Thận có chức năng lọc máu, bao gồm lọc các chất có hại như cồn ra khỏi cơ thể. Tổn thương thận cấp tính là tình trạng chức năng thận giảm đột ngột, có thể xảy ra sau khi uống rượu quá độ. Nguyên nhân là do các chất thải tích tụ trong máu với tốc độ nhanh hơn tốc độ thận có thể loại bỏ, gây viêm và tổn thương các mô.

Ngoài đau thận, người bị tổn thương thận cấp tính có thể nhận thấy các triệu chứng như đi tiểu ít, kiệt sức, sưng chân, mắt cá chân hoặc mặt, khó thở, thở gấp, buồn nôn hoặc nôn, lú lẫn, đau tức ngực. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể lên cơn co giật hoặc hôn mê.

Tổn thương thận cấp tính thường hồi phục theo thời gian, nhưng một số người bệnh có thể cần chạy thận cho đến khi chức năng thận cải thiện. Tình trạng này cũng có thể gây ra tổn thương dai dẳng, dẫn đến các vấn đề lâu dài về thận.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Rượu làm tăng tính axit của nước tiểu nên có thể làm kích ứng niêm mạc bàng quang. Người uống rượu có thể bị mất nước, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). UTI lan đến bàng quang có thể gây đau thận.

Một số triệu chứng khác của UTI bao gồm đau khi đi tiểu, buồn tiểu thường xuyên, cảm giác buồn tiểu dữ dội dù chỉ có một ít nước tiểu, nước tiểu sẫm màu hoặc có mùi hôi, tiểu máu, đau bụng hoặc đau lưng, sốt. Nhiễm trùng đường tiết niệu lan nếu lan đến thận có thể gây nhiễm trùng huyết - tình trạng nghiêm trọng đe dọa tính mạng.

Uống nhiều rượu gây hại thận. Ảnh: Ngọc Phạm

Uống nhiều rượu gây hại thận. Ảnh: Ngọc Phạm

Uống rượu không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra đau thận. Thời điểm đau có thể trùng hợp ngẫu nhiên với thời điểm uống rượu hoặc rượu làm trầm trọng thêm tình trạng hiện có.

Sỏi thận có thể gây đau lưng dữ dội, đau ở bộ phận sinh dục hoặc dạ dày khi cơ thể cố gắng đào thải sỏi. Một số người cũng bị sốt. Nếu cơ thể không đào thải sỏi, người bệnh có thể bị nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn đường tiểu nghiêm trọng.

Chấn thương ở thận chẳng hạn do tai nạn, cũng có thể gây đau thận. Triệu chứng đau thận thường xuất hiện ở lưng, hai bên cột sống, ngay dưới xương sườn. Nếu cơn đau kéo dài và ngày càng nghiêm trọng, người bệnh nên đến bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

Phương pháp điều trị cho chứng đau thận liên quan đến rượu phụ thuộc vào nguyên nhân bao gồm thuốc kháng sinh trị UTI, thuốc giảm đau, chất điện giải hoặc truyền dịch tĩnh mạch để kiểm soát tình trạng mất nước. Một số trường hợp cần thẩm phân ngắn hạn để loại bỏ độc tố tích tụ từ tổn thương thận cấp tính. Người bệnh cũng cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để hỗ trợ chức năng thận.

Giảm lượng rượu tiêu thụ có thể làm hạn chế nguy cơ mắc bệnh thận liên quan đến rượu. Tránh uống rượu quá độ và nên bổ sung nhiều nước nếu uống rượu. Người mắc bệnh thận mạn tính không nên uống rượu.

Cải thiện sức khỏe thận và giảm nguy cơ mắc bệnh thận bằng cách không hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng phù hợp. Người mắc bệnh lý nào liên quan đến bệnh thận như tiểu đường cần điều trị.

Anh Ngọc (Theo Medical News Today)

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tai-sao-dau-than-sau-uong-ruou-a102926.html