Nhiều người chủ động tiêm phòng bệnh dại

TP HCMVân Khánh, 20 tuổi, quyết định đến trung tâm tiêm chủng để tiêm thêm vaccine dại, dù đã hoàn thành 5 mũi trước đó.

Khánh bị chó cắn vào bàn tay cách đây một tháng. Ngày 15/10, cô tiếp tục bị cắn vào cổ tay nên đến VNVC tiêm thêm hai mũi.

"Hàng năm, tôi đều cho chó tiêm chủng, đồng thời cũng theo dõi sát chó sau khi bị cắn, nhưng vẫn cảm thấy chưa an tâm, không chủ quan", Khánh nói.

Tương tự Khánh, gia đình bà Thủy (TP Thủ Đức) đến VNVC vào cuối tuần qua để tiêm vaccine ngừa dại cho cả 5 thành viên trong gia đình. Bà cho biết, nhà có nuôi hai chú chó, mọi người thường bế, ẵm nên dễ bị cắn, cào. Chó đã được tiêm phòng đầy đủ, song thường xuyên chơi cùng chó hàng xóm nên khả năng lây nhiễm bệnh dại cao. Tiêm phòng trước khi bị cắn, sẽ giúp gia đình bà Thủy giảm khả năng nhiễm dại.

Còn Khắc Tuấn, 28 tuổi, tiêm vaccine ngừa dại trước khi bước vào chuyến thám hiểm hang động tháng tới. Anh được bác sĩ tư vấn tiêm ba mũi ngừa dại trước khi bắt đầu chuyến du lịch.

Các điều dưỡng tại VNVC tư vấn cho khách hàng trước khi tiêm vaccine phòng dại. Ảnh: Kim Oanh

Các điều dưỡng tại VNVC tư vấn cho khách hàng trước khi tiêm vaccine phòng dại. Ảnh: Kim Oanh

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết đơn vị ghi nhận hàng nghìn trường hợp chủ động tiêm phòng dại trong 9 tháng đầu năm. Việc này khác biệt so với những năm trước khi đa số người dân chỉ tiêm chủng sau khi bị chó, mèo hoang cắn hoặc chúng chưa tiêm chủng, rất ít trường hợp tiêm dự phòng trước phơi nhiễm.

Dại là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương do Rhabdovirus gây ra. Thời gian ủ bệnh dại thường 2-8 tuần, có thể kéo dài vài năm, phụ thuộc vào vị trí vết cắn và lượng virus đi vào cơ thể.

Bệnh dại hiện không có thuốc điều trị. Khi phát bệnh, gần 100% trường hợp tử vong. Biện pháp điều trị dự phòng duy nhất là tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó cắn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính toàn cầu mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh dại. Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận năm 2023 có 82 ca tử vong do bệnh dại và gần 500.000 người dân phải tiêm vaccine, 80% trường hợp do chó cắn, khoảng 10% do mèo cào. Năm 2024 (tính đến 25/8), toàn quốc có 65 trường hợp tử vong ở 31/63 tỉnh, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam hiện có hai loại vaccine phòng dại gồm Verorab (Pháp) và vaccine Abhayrab (Ấn Độ). Vaccine được sản xuất theo công nghệ mới, không chứa các tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ.

Có hai phác đồ tiêm chủng. Nếu tiêm sau khi bị động vật tấn công, lịch tiêm gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28, số lượng mũi tiêm có thể ít hơn nếu con vật vẫn sống khỏe mạnh. Người bị động vật tấn công có thể được chỉ định thêm huyết thanh kháng dại và mũi ngừa uốn ván.

Trường hợp chủ động tiêm dự phòng, chỉ cần ba mũi, thêm hai mũi khi bị động vật tấn công và không cần huyết thanh. Lịch tiêm dự phòng khuyến cáo cho người nguy cơ cao, như: cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại.

Kim Oanh

Độc giả đặt câu hỏi tại đây để bác sĩ trả lời.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nhieu-nguoi-chu-dong-tiem-phong-benh-dai-a102781.html