Ngán ngẩm bạn cùng phòng ở bẩn, suốt ngày dùng ké đồ

Trong khi Diệu Anh ngao ngán vì cảnh ở bẩn của bạn cùng phòng, Phan Ngọc lại đối mặt với việc bị gần 10 bạn nói xấu, cô lập.

Nhiều sinh viên chọn ở ghép và gặp tình huống dở khóc dở cười với bạn cùng phòng. Ảnh: Shutterstock.

Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, nhiều sinh viên chấp nhận ở ghép. Nếu may mắn, các bạn có thể gặp được những người bạn cùng phòng tốt tính, gắn bó lâu dài, và ngược lại.

Chuyện bạn cùng phòng thiếu ý thức, ở quá bẩn, chuyên dùng ké đồ, gây ồn ào vào ban đêm không phải hiếm gặp. Tri Thức - Znews trò chuyện cùng 3 bạn trẻ để tìm hiểu về câu chuyện họ gặp phải khi ở ghép cũng như kinh nghiệm họ rút ra sau mỗi lần.

Phải đi ngủ nhờ vì bạn trọ ở bẩn

Diệu Anh (sinh viên năm hai tại Hà Nội)

Hồi mới lên đại học, còn nhiều bỡ ngỡ, tôi ở ghép với bạn cùng lớp đại học (tạm gọi là A.) và một chị khóa trên, vừa để giảm bớt chi phí sinh hoạt, lại có bạn cùng tiến. Ai ngờ ở cùng hơn một tháng, tôi mới ngã ngửa.

Ban đầu, khi mới chuyển tới, A. đặt ra đủ quy định cho phòng trọ. Nào là giữ gìn vệ sinh chung, không tự ý dùng ké đồ... Tôi và chị cùng khóa rất đồng tình vì đó là những điều đương nhiên phải làm.

Nhưng cuối cùng, A. là người phá vỡ mọi nội quy mà mình đặt ra. Đến bây giờ, khi bạn ấy đã chuyển đi, tôi vẫn nổi da gà mỗi khi nghĩ lại.

kiep nan o ghep anh 1

Diệu Anh ngán ngẩm với "bãi chiến trường" bạn cùng phòng bày ra nhưng không chịu dọn.

Bắt đầu từ việc vệ sinh chung, bánh kẹo ăn xong, A. cũng thản nhiên vứt vỏ ngay cạnh giường nằm. Chiếc nồi cơm điện của bạn ấy, tôi nghĩ phải có "một rừng vi sinh vật" vì để cả tháng không rửa, mốc xanh mốc đỏ bốc mùi.

Quy định A. đặt ra là sẽ dọn nhà vào thứ năm hàng tuần. Nhưng cứ đến lịch, A. lại lấy lý do là quên, để mai làm. Nhưng ngày mai của A. kéo dài đến cả tháng. Và tất nhiên, để sạch sẽ, việc dọn dẹp lại đến tay chúng tôi.

Đến vệ sinh riêng thì hỡi ôi, ra ngoài, A. luôn "bóng lộn" nhưng khi về nhà thì ngược lại hoàn toàn. Quần áo thay ra, A. để hàng tuần không giặt, trong khi trước đó, bạn yêu cầu cả phòng phải giặt đồ hàng ngày vì để lâu sẽ bốc mùi, ruồi muỗi bâu lại.

Chưa hết, khi được chúng tôi nhắc nhở, A. chống chế bằng việc đã giặt đồ mặc bên trong, còn quần áo bên ngoài sẽ gom lại rồi giặt một thể.

Thậm chí nhiều lần, đi học, đi làm thêm về, A. không thèm tắm, cứ thế nằm cạnh chúng tôi. Quần áo có khi bỏ vào chậu rồi, nhưng hết đồ, bạn ấy lại lấy ra để mặc.

Đỉnh điểm là khi A. liên tục dùng ké đồ của người khác mà không xin phép, trong khi đồ của bạn thì giữ khư khư. Đến khi chúng tôi nhắc, A. cãi bay cãi biến, chê "đồ rẻ tiền nên không dùng".

Nhiều lần, tôi và chị cùng phòng ức chế. Về đến nhà, nhìn đống đồ A. bày ra là tôi ngán ngẩm, không còn từ nào để diễn tả. Thậm chí, tôi không dám dẫn bạn về phòng chơi vì ngại, nhiều lần phải đi ngủ nhờ vì không chịu được sự bừa bộn và bốc mùi.

Càng nhắc nhở, A. càng chây ì. Đến nỗi, chúng tôi phải né tránh, không trò chuyện để bạn biết ý và chuyển đi. Nhưng chuyển đi rồi cũng không yên, đồ đạc mua chung, A. đều mang đi hết, mặc nhiên không hỏi trước hay đề cập đến việc trả lại chúng tôi tiền.

Hiện tại, chúng tôi đã tìm được một bạn khác ở ghép. May mắn vì lần này, chúng tôi thực sự tìm được người phù hợp. Ba chị em khá thân thiết với nhau, quan trọng, chúng tôi đều tôn trọng không gian chung và riêng của nhau.

............................................................................................................................

Ám ảnh vì bị nói xấu, cô lập

Phan Ngọc (sinh viên năm hai tại Hà Nội)

Không gặp "kiếp nạn" bạn cùng phòng ở bẩn như Diệu Anh, nhưng tôi cũng có ký ức không mấy vui vẻ khi bị nói xấu, cô lập.

Năm nhất đại học, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi chọn ở ký túc xá dù biết có nhiều bất tiện. Phòng tôi ở có 10 người, mỗi người một tích cách nên tôi biết để hòa hợp, mọi người cần tôn trọng và nhường nhịn nhau.

kiep nan o ghep anh 2

Phan Ngọc bị bạn cùng phòng nói xấu, cô lập. Ảnh minh họa: Pexels.

Tôi thường học buổi chiều nên đi làm thêm vào buổi sáng. Sự việc cũng bắt đầu từ đây. Khi tôi thường xuyên không ở phòng, các bạn tự ý dùng đồ mà không hỏi ý kiến tôi, dù tôi đã để riêng. Chỉ đến khi thấy dầu gội, nước giặt nhanh hết đến kỳ lạ, tôi mới tá hỏa. Quần áo tôi để trong vali cũng biến mất không rõ nguyên nhân.

Đỉnh điểm là khi tôi đi vắng, một bạn cùng phòng đã thường xuyên dựng chuyện, nói xấu tôi với mọi người, vu cho tôi nói xấu người khác, khiến tất cả ghét tôi.

Cảm giác lúc đó là buồn. Tôi bị cả phòng cô lập không rõ lý do. Điều tôi thất vọng nhất là mặc dù ít ở phòng, ít trò chuyện cùng mọi người, khi các bạn khó khăn hay nhờ vả, tôi đều giúp đỡ.

Không chịu được sự cô lập, tôi đã nhắn tin cho người dựng chuyện, nhưng bạn không trả lời, tỏ thái độ rất hài lòng về những gì đã gây ra. Tôi đề nghị họp phòng để đối chất, song chỉ nhận được ánh mắt trợn trừng của bạn, không hề có một câu xin lỗi.

Sau này, các bạn trong phòng hiểu và dần làm lành, nhưng do tổn thương nên hết học kỳ 1, tôi xin chuyển ra ngoài thuê trọ, chấp nhận chi phí cao hơn.

............................................................................................................................

Suýt mất bạn thân vì ở ghép
Vũ Thế (sinh viên năm hai tại Hà Nội)

Tôi là nam nên cũng có phần thoải mái hơn các bạn nữ khi ở trọ. Dù vậy, tôi cũng không tránh được một số tình huống khó xử, thậm chí suýt mất bạn thân vì ở ghép.

Lên đại học, tôi ở chung cùng 2 người bạn, một người là bạn cấp 3, còn một người là bạn từ nhỏ. Trong đó, một bạn thường xuyên thức rất khuya, 2-3h vẫn chưa ngủ, có khi thức luôn đến sáng.

kiep nan o ghep anh 3

Vũ Thế mệt mỏi vì bạn cùng phòng làm ồn đêm khuya. Ảnh minh họa: Pexels.

Ngặt nỗi, bạn không thức để học bài mà nói chuyện điện thoại với bạn gái. Nếu tôi nhắc, bạn cũng cố gắng nói nhỏ nhưng tiếng rầm rì vẫn bên tai, tôi không ngủ nổi. Sáng hôm sau đi học, tôi bơ phờ vì mất ngủ, thêm bệnh trào ngược dạ dày vì thức khuya.

Đợt đó, tôi giận bạn lắm. Vì bất đồng nên một thời gian, chúng tôi khá căng thẳng. Sau này, chúng tôi mới ngồi lại với nhau và trao đổi thẳng thắn để tìm ra phương án hợp lý. Bạn cũng thay đổi, cải thiện hơn nên đến hiện tại, chúng tôi vẫn ở cùng nhau.

Vì vậy, tôi nghĩ mấu chốt khi ở ghép là cần thẳng thắn và có quy định với nhau ngay từ đầu. Tuy nhiên, các bạn cũng nên chia sẻ để hiểu tích cách của nhau, cùng tìm ra tiếng nói chung.

Còn khi đã không thể hòa hợp được thì không có cách giải quyết nào hay hơn là chuyển đi nơi khác ở, tránh việc phải sống trong không khí tiêu cực, đề phòng nhau.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/ngan-ngam-ban-cung-phong-o-ban-suot-ngay-dung-ke-do-a102769.html