Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin ngày 14-15/10, số ca bệnh nhi bị viêm hô hấp, viêm phổi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (Tp.HCM) gia tăng so với tuần trước.
Bệnh hô hấp gia tăng, nhiều ca nhập viện
Chị Nguyễn Thị Thu (ngụ tỉnh An Giang) có con gái 14 tháng tuổi bị viêm phổi nặng phải nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Trò chuyện với PV, chị Thu cho biết, do chủ quan, chị chỉ nghĩ bé bị ho nên tự mua thuốc ở nhà thuốc cho con uống. Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần không khỏi ho, bé có dấu hiệu khó thở. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ chỉ định con chị nhập viện vì có dấu hiệu nguy hiểm của biến chứng viêm phổi. Đến nay, bé đã nhập viện điều trị nửa tháng, nhưng chưa được xuất viện.
Chị Hà (ngụ Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) chia sẻ, con gái mới 4 tháng tuổi bị ho 2 ngày. Gia đình đưa đến bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết, bé cần nhập viện cấp cứu vì tình trạng viêm phổi nặng. Chị Hà kể: "Tôi không ngờ con bị nặng như thế. Cháu nhập viện hơn một tuần vẫn chưa khỏi".
Trao đổi với PV, đại diện Khoa Hô hấp 1 (Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, gần đây, lượng bệnh nhi tới thăm khám các bệnh hô hấp tăng cao. Trong đó, số bệnh nhi nhập viện nội trú tăng 20-25% so với tháng trước. Các ca nhập viện thường trong độ tuổi dưới 5 tuổi, với các bệnh như: viêm phổi, viêm tiểu phế quản cấp, hen…
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1 - Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết, bệnh lý hô hấp lây qua không khí, lây qua môi trường tập thể như trường học… Tại bệnh viện, số bệnh nhi nhập viện đã bắt đầu gia tăng số ca do hô hấp, có ca biến chứng sang viêm phổi…
Chia sẻ với PV, TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, ở Tp.HCM và các tỉnh phía Nam, thời điểm từ tháng 9, 10, tình trạng trẻ bị bệnh đường hô hấp gia tăng vì nhiều nguyên nhân. Có thể do thời tiết mưa nắng thất thường làm cho virus sinh sôi nảy nở và do mùa đi học trẻ có nhiều thay đổi về môi trường sống.
Bình thường, Khoa Hô hấp chỉ có 40-50 bệnh nhi nhập viện. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, trung bình có từ 80 ca nhập viện, trong đó có nhiều ca nặng. Có 2 nhóm là nhóm trẻ sơ sinh, trẻ dưới 2 tuổi và trẻ bệnh nền như bại não... là đối tượng dễ bị biến chứng nguy hiểm khi bị mắc bệnh hô hấp và phải nhập viện điều trị.
Giải pháp phòng bệnh hô hấp
Theo TS.BS Trần Anh Tuấn, giải pháp trước mắt để phòng bệnh trong thời điểm có nhiều ca bệnh hô hấp tăng là cần có biện pháp bảo vệ em bé linh hoạt như lạnh thì giữ ấm, nóng thì dùng quạt máy, điều hòa cho đúng.
Ngoài ra, rửa tay là vắc-xin hiệu quả ngừa bệnh. Phụ huynh cần cho trẻ đeo khẩu trang, nếu môi trường cần dùng khẩu trang y tế và ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
Giải pháp căn cơ là phụ huynh phải chủ động chủng ngừa cho trẻ bằng việc tiêm chủng đầy đủ. Ngoài ra, chích ngừa phế cầu cũng rất cần thiết, vì đây là tác nhân gây nên viêm hô hấp, viêm phổi…
TS.BS Trần Anh Tuấn chia sẻ thêm: "Nếu chăm sóc tốt, có 70-80% trẻ bị bệnh hô hấp tự khỏi từ 7 -10 ngày, 20% còn lại trẻ bị viêm hô hấp bị trở nặng thành viêm phổi, sẽ dễ có biến chứng, suy hô hấp…
Biến chứng thành viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ dưới 5 tuổi bị tử vong hoặc để lại di chứng nặng cho trẻ sau này như: áp xe phổi, nhiễm trùng máu…".
TS.BS Trần Anh Tuấn lưu ý phụ huynh, mức độ nặng nhẹ của bệnh không phụ thuộc việc em bé ho ít hay ho nhiều.
Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi những dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng của trẻ như: Trẻ ngủ li bì khó đánh thức, em bé dưới 2 tháng không bú được, bỏ bú, trẻ lớn hơn là không uống được hoặc uống nôn ói, co giật. Đây là một dấu hiệu nguy hiểm phải cấp cứu ngay lập tức, bất kể ngày đêm.
Khó thở cũng là dấu hiệu nguy hiểm trẻ bị viêm hô hấp. Thường phụ huynh hay có tâm lý sợ gió, mặc áo dày 2, 3 lớp cho trẻ nên nghĩ là nhịp thở nhanh hơn bình thường nhưng không biết, thực ra đó là em bé đang bị viêm phổi, cần nhập viện ngay.
Theo bác sĩ Tuấn, khi chăm sóc trẻ bị bệnh về hô hấp phụ huynh cần nhớ các nguyên tắc cơ bản:
Thứ nhất cho các cháu ăn uống đầy đủ. Khi ho, một số phụ huynh kiêng thịt bò, thịt gà, trứng là chưa đúng, vì chưa có bằng chứng khoa học nào chứng mình rằng trẻ ho nếu kiêng những thực phẩm như vậy đỡ ho hoặc kiêng thì sẽ khỏi bệnh nhanh hơn…
Khoa học đã có bằng chứng chắc chắn là, chỉ khi được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ thì mới mau khỏi bệnh. Ăn uống khó khăn khi ho khiến phụ huynh khó chăm sóc, chính vì vậy cần chăm sóc chu đáo, khoa học như: chia nhỏ bữa ăn, ăn đồ mềm dễ nuốt, đỡ nôn ói, uống nhiều nước làm cho em bé bớt ho, nếu có đàm giúp đàm loãng hơn…
Thứ hai là về sử dụng thuốc, từ lâu bác sĩ cũng đã khuyến cáo không nên lạm dụng kháng sinh nếu không có ý kiến bác sĩ.
Và thứ ba nếu em bé có dấu hiệu nặng như: ngủ li bì, thở khó hơn, thì cần cho trẻ nhập viện
"80% trẻ bị bệnh về hô hấp do nhiễm virus. Nếu lạm dụng kháng sinh, phun khí dung thì lợi bất cập hại, ảnh hưởng trẻ, dễ làm em bé nhiễm trùng hơn. Một số em bé dễ phát tán mầm bệnh xung quanh", TS.BS Trần Anh Tuấn cho biết thêm.
Nguyễn Lành
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/bac-si-canh-bao-tre-nhap-vien-do-benh-ho-hap-tang-nhieu-ca-bien-chung-a102646.html