Người đàn ông, ở Mỹ, xuất hiện các cơn hoảng loạn sau một trải nghiệm cận tử vài năm trước. Khi ấy anh phải nhập viện ba ngày vì đột ngột khó thở.
Thực tế, hầu hết người dân thế giới đều có cảm giác sợ hãi cái chết một cách vô hình, không tránh khỏi. Đây là cơ chế tự vệ của cơ thể. Nghiên cứu phát hiện một số sự kiện trên thế giới có thể làm tăng nỗi sợ cái chết, chẳng hạn Covid-19. Các nhà tâm lý học toàn cầu giải thích mọi người sợ chết hơn nếu họ tiếp xúc hàng ngày với các số liệu về tình trạng tử vong. Đây gọi là hiện tượng "thiên kiến nổi bật".
Tuy nhiên, đối với những người như Daniel, nỗi sợ hãi này tồn tại ngay cả khi không có các sự kiện gây lo âu. Chúng nghiêm trọng đến mức có thể cản trở cuộc sống hàng ngày. Họ tránh né các hoạt động bản thân cho rằng có thể dẫn đến cái chết. Tình trạng này được gọi là chứng sợ chết (thanatophobia).
Các nhà tâm lý học cho rằng chứng sợ chết phổ biến hơn ở người lớn tuổi, người mắc bệnh nan y và người đã trải qua những trải nghiệm đau buồn liên quan đến cái chết.
Theo tiến sĩ Tsao I Ting, một nhà tâm lý học lâm sàng, con người thường thích sự ổn định và cảm giác kiểm soát. Cái chết mang đến ý niệm ngược lại. Nó xảy ra không báo trước, không thể tránh khỏi. Chứng sợ chết nghiêm trọng hơn cảm giác lo âu hàng ngày, được coi là một dạng rối loạn.
Thông thường, người bệnh trải qua cảm giác sợ chết kéo dài hơn 6 tháng, gây suy giảm chức năng vận động. Ví dụ, một số người cao tuổi bị ám ảnh về việc té ngã và tử vong. Để tránh nguy hiểm, họ quyết định ở lỳ trong nhà, tự cô lập với gia đình, bỏ qua các cuộc kiểm tra sức khỏe quan trọng.
Tiến sĩ Ting lưu ý, giống với hầu hết các loại rối loạn tâm thần, yếu tố nguy cơ phát triển chứng sợ chết đến từ khắp nơi. Nhiều bệnh nhân bị sang chấn khi chứng kiến cái chết thảm khốc của ai đó, một số người có trải nghiệm cận tử, số khác mất người thân từ khi còn nhỏ. Theo lý thuyết, chứng sợ chết gồm hai dạng ám ảnh: nỗi sợ cái chết và nỗi sợ quá trình chết đi.
"Những người trẻ tuổi sợ chết hơn, trong khi những người lớn tuổi sợ quá trình chết đi", bà giải thích.
Bà cũng cho biết một số trẻ em ám ảnh về cái chết của bố mẹ. Điều này có thể dẫn đến khó khăn giao tiếp giữa hai thế hệ. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa chứng sợ chết và chứng rối loạn lo âu nói chung là nguồn cơn và trọng tâm nỗi sợ.
Tiến sĩ Sam Roberts, người sáng lập kiêm giám đốc Dịch vụ Tư vấn và Tâm lý học Olive Branch, cho biết những người mắc chứng sợ chết thường xuyên có suy nghĩ dai dẳng về cái chết. Trong khi đó, người bị lo lắng nói chung ám ảnh về các vấn đề hàng ngày, như tài chính hoặc mối quan hệ.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để con người sống mà không sợ hãi cái chết? Các chuyên gia y tế cho biết, việc áp dụng tư duy "YOLO" (bạn chỉ sống một lần) không phải là giải pháp.
Thay vào đó, cách tiếp cận tốt nhất là tìm kiếm mục đích sống. Ngoài việc thừa nhận nỗi sợ hãi một cách đơn thuần, tiến sĩ Roberts đề xuất mọi người tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa, phù hợp với sở thích và tính cách.
"Các hoạt động này tạo ra mục đích sống, giúp mọi người giữ vững lập trường trong hiện tại", ông nói.
Ông cũng đề xuất người bệnh viết lách, vẽ tranh hoặc nghe nhạc. Điều này có thể giải tỏa nỗi ám ảnh hiện sinh một cách lành mạnh.
Tuy nhiên, khi mức độ sợ hãi lên đỉnh điểm, ảnh hưởng đến hoạt động sống, cả tiến sĩ Tsao và tiến sĩ Roberts khuyến nghị bệnh nhân đi khám, tham gia các buổi trị liệu tâm thần.
Daniel tìm kiếm sự hỗ trợ từ tiến sĩ Roberts và cải thiện tình trạng sức khỏe. Anh được hướng dẫn xác định nỗi sợ hãi cụ thể, tự tìm ra "lối thoát an toàn", bày tỏ suy nghĩ của mình. Anh học cách phân biệt giữa cảm giác sợ hãi bình thường và nỗi ám ảnh, hoảng loạn.
Thục Linh (Theo CNA)
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/noi-so-hai-cai-chet-a102413.html