Một diễn biến khá đáng chú ý gần đây trên thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam, đó là sự rời đi của Gojek. Quyết định rời thị trường Việt Nam mới đây của hãng gọi xe công nghệ Gojek, hay trước đó là Baemin chỉ trong chưa đầy 1 năm qua, đã cho thấy nhiều sự chuyển biến trên thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam.
Việc các thương hiệu gọi xe công nghệ lớn của nước ngoài rời thị trường Việt Nam trong chưa đầy 1 năm qua đã phần nào cho thấy sự đào thải gay gắt của thị trường gọi xe công nghệ. Những cái tên còn ở lại thị trường cũng sẽ đối mặt với bài toán là củng cố, gia tăng được thị phần, nhưng cùng lúc phải sớm tìm kiếm được lợi nhuận.
Các giải pháp tăng thu, giảm chi để giảm lỗ, tăng lợi nhuận vẫn là bài toán lớn đối với các doanh nghiệp gọi xe công nghệ đang hoạt động tại Việt Nam. Bước đầu cũng đã cho thấy kết quả.
Báo cáo kết quả kinh doanh qua nửa đầu năm nay của Grab trên toàn bộ thị trường cho thấy doanh thu tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi khoản lỗ sau thuế cũng giảm một nửa so với cùng kỳ. Hãng này cho biết thời gian tới sẽ tận dụng lợi thế thị phần để tiếp tục khai thác các dư địa tăng trưởng tại thị trường Việt Nam.
Ông Alejandro Osorio - Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam chia sẻ: "Tôi nghĩ tỷ lệ thâm nhập dịch vụ số tại Việt Nam vẫn chưa thực sự cao, do đó còn rất nhiều cơ hội, đặc biệt ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh, từ cao tốc, đường sắt đô thị cho đến sân bay. Mở ra nhiều cơ hội để chúng tôi tối ưu sự kết nối giữa các hạ tầng giao thông mới này".
Nghiên cứu của Momentum Works ước tính, riêng mảng giao đồ ăn trực tuyến thì sự rời đi của Gojek hay trước đó là Baemin sẽ để lại khoảng 10% thị phần tổng giá trị giao dịch hàng hóa. Điều này cũng tạo ra thêm dư địa gia tăng thị phần cho các doanh nghiệp còn lại. Đặc biệt với công ty nào có khả năng tối ưu chi phí vận hành để đưa ra mức giá dịch vụ phù hợp trong bối cảnh thời "đốt tiền khuyến mãi" đã qua đi.
Ông Jianggan Li - Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Momentum Works cho biết: "Thách thức thời gian tới đó là làm sao các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả vận hành, cải thiện trải nghiệm người dùng để việc kinh doanh bền vững với quy mô mở rộng. Doanh nghiệp dẫn đầu thị phần đã tận dụng được đội ngũ đối tác tài xế để đưa ra nhiều dịch vụ khác nhau, bao gồm giao đồ ăn. Tài xế có thể kiếm tiền từ nhiều nguồn cùng lúc, cũng là lý do để họ gắn bó với nền tảng đó. Vậy làm sao các đối thủ có thể cạnh tranh được sẽ là một bài toán".
Một số tên tuổi lớn rời đi, nhưng thị trường gọi xe công nghệ của Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Hãng Mordor Intelligence ước tính giá trị thị trường này năm nay của Việt Nam sẽ cán mốc 880 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm đạt gần 20%.