Trả lời:
Vaccine thủy đậu là loại sống giảm độc lực, bản chất là virus Varicella Zoster (VZV) được làm suy yếu để giảm đi độc lực. Từ đó, mũi tiêm kích thích cơ thể sinh kháng thể với thủy đậu, hạn chế phát triển bệnh zona thần kinh sau này, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người tiêm.
Tuy nhiên, do cơ chế virus vẫn còn sống trong vaccine nên có tỷ lệ rất nhỏ mầm bệnh nằm lại trong rễ hạch thần kinh và tái hoạt động, gây ra zona thần kinh. Tuy nhiên, xét về lợi ích, việc không tiêm vaccine thủy đậu sẽ có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu và phát triển zona thần kinh cao gấp nhiều lần.
Bên cạnh đó, vaccine thủy đậu dù có hiệu quả cao vẫn có tỷ lệ thấp không sinh miễn dịch sau khi tiêm. Ngoài ra, nhiễm thủy đậu có thể có triệu chứng không rõ ràng, không được chẩn đoán và điều trị, tăng khả năng phát triển zona thần kinh sau này. Lúc này, vaccine thủy đậu không còn tác dụng. Ngược lại, vaccine zona thần kinh chỉ ngăn ngừa virus tái hoạt động và không phòng được bệnh thủy đậu.
Zona thần kinh có thể gây các biến chứng như đau dây thần kinh sau zona, nhiễm khuẩn da, sẹo lồi, liệt một bên mặt, nghe kém hoặc mất khả năng nghe, viêm phổi, viêm gan, viêm não, viêm màng não, đột quỵ... Trong đó biến chứng đau dây thần kinh kéo dài có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, gây suy giảm chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Vì những lý do trên, người mắc bệnh thủy đậu hoặc từng tiêm phòng thủy đậu, vẫn cần chủng ngừa zona thần kinh để được bảo vệ toàn diện. Hiện Việt Nam có vaccine Shingrix do hãng dược GSK (Bỉ) sản xuất, hiệu quả phòng zona lên đến 97% và giảm các biến chứng hơn 90%. Mũi tiêm chỉ định cho người từ 50 tuổi trở lên hoặc người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona thần kinh. Loại này cần tiêm cách liều vaccine thủy đậu trước đó tối thiểu 8 tuần.
BS.CKI Bạch Thị Chính
Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/co-can-tiem-ngua-zona-than-kinh-sau-khi-tiem-thuy-dau-a102237.html