Ngư dân gặp khó khi khai thác cá ngừ vằn chiều dài tối thiểu 500mm

Đang vào cao điểm vụ khai thác cá ngừ năm 2024 nhưng nhiều tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định phải nằm bờ vì quy định chỉ được khai thác cá ngừ vằn có chiều dài nhỏ nhất cho phép là 500mm.

Hơn một tháng qua, tàu BĐ.98207-TS của ngư dân Tô Văn Thông, ở xã Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định phải nằm bờ. Ngư dân Tô Văn Thông cho biết, tàu cá của mình đánh bắt cá ngừ vằn nhiều năm qua. Hiện đang vụ đánh bắt chính nhưng ngư dân gặp khó bởi quy định kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn được phép khai thác là 500mm.

Theo ông Tô Văn Thông, cá ngừ vằn có chiều dài tối thiểu 500mm rất ít nên sản lượng đánh bắt thấp, không đủ trang trải chuyến biển. Trong khi đó giá cá ngừ vằn đã giảm từ 30.000 đồng/kg xuống 19.000 đồng/kg nên việc đánh bắt của ngư dân lại càng khó khăn.

“Ngư dân đánh bắt theo Nghị định 37 của Nhà nước. Theo kích cỡ quy định con cá ngừ vằn chúng tôi không thể đánh bắt đủ sản phẩm của cá đó được, cá vùng biển Việt Nam rất ít. Không có đồng thu vào thì làm sao đi đánh bắt được. Nghị định ra mới đây khi đánh bắt không đủ tổn được nên tàu tôi nằm bờ hơn 1 tháng nay”, ông Thông chia sẻ.

Ngư dân gặp khó khi khai thác cá ngừ vằn chiều dài tối thiểu 500mm- Ảnh 1.

Nhiều tàu cá neo đậu tại cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

Thị xã Hoài Nhơn là nơi có số lượng tàu đánh bắt thủy sản lớn nhất tỉnh Bình Định. Địa phương này có 2.114 chiếc tàu từ 15m trở lên, trong đó có 1.500 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, còn lại tàu đánh bắt cá ngừ vằn với một số ngành nghề khác. Bình quân mỗi tháng, một tàu đánh bắt được khoảng 20 tấn - 30 tấn cá ngừ vằn, thu về khoảng 600 triệu đồng - 900 triệu đồng. Sau khi có quy định cá ngừ vằn có chiều dài tối thiểu được phép khai thác là 500mm thì sản lượng khai thác cá ngừ vằn về cảng Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn giảm.

Hiện nay tại các doanh nghiệp, công ty ở khu vực cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn đã dừng thu mua cá ngừ vằn để xuất khẩu. Ông Phạm Trương, Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn đề nghị các ngành chức năng tỉnh Bình Định cần sớm kiến nghị Trung ương xem xét, sửa đổi kích cỡ tối thiểu cá ngừ vằn được phép khai thác, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, đánh bắt:

“Bế tắc hiện nay là ngư dân đánh bắt theo kích thước cá ngừ tối thiểu được phép khai thác theo Nghị định số 37/2024 của Chính phủ, ngư dân đi đánh bắt nhưng doanh nghiệp không thể thu mua cá ngừ này thì không thể đi đánh bắt được, tàu nằm bờ rất nhiều. Thậm chí tư thương ép giá, mua nợ. Đây là khó khăn của kinh tế biển hiện nay, đề nghị sớm nghiên cứu, kiến nghị với Trung ương để tháo gỡ”, ông Trương nói.

Ngư dân gặp khó khi khai thác cá ngừ vằn chiều dài tối thiểu 500mm- Ảnh 2.

Cá ngừ vằn được đánh bắt đưa vào bờ.

Từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là cao điểm khai thác cá ngừ vằn của ngư dân miền Trung. Vào thời điểm này các năm trước, cảng cá Quy Nhơn nhộn nhịp, ghe tàu ra vào liên tục, năm nay chỉ có những tàu lưới mành, tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, một số ít tàu câu cá ngừ vằn làm lệnh xuất bến.

Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Bình Định cho biết, số cá ngư vằn có chiều dài 500mm rất thấp, dẫn đến việc ngư dân đi khai thác về không đủ quy định để xác nhận nguồn gốc thủy sản. Theo ông Đào Xuân Thiện, tại cảng Quy Nhơn hiện có khoảng 100 tàu cá đánh bắt cá ngừ vằn đang neo đậu.

“Ngư dân đi khai thác về không đủ quy định để xác định nguồn gốc dẫn đến các công ty sản xuất họ dừng việc thu mua và hạ giá thành. Theo thống kê và kiểm đếm số lượng tàu thuyền của nghề đấy họ gần như nằm bờ khoản 70%, lượng hàng phải giảm”, ông Thiện nêu thực tế.

Ngày 04/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 37 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019 ngày 08/3/2019 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Tại phụ lục V của Nghị định này quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, trong đó cá ngừ vằn có chiều dài nhỏ nhất được phép khai thác là 500mm.

Tại tỉnh Bình Định, trong số cá ngừ vằn khai thác hàng năm, loại có chiều dài từ 500mm trở lên chỉ chiếm khoảng 10-15%, còn lại chủ yếu là loại có chiều dài từ 300mm đến dưới 400mm. Số tàu cá hoạt động nghề lưới vây cá ngừ phải nằm bờ không đi khai thác đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của một bộ phận ngư dân là chủ tàu, thuyền viên.

Ngư dân gặp khó khi khai thác cá ngừ vằn chiều dài tối thiểu 500mm- Ảnh 3.

Ngư dân neo đậu tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Từ thực tế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác sống trong vùng nước tự nhiên. Theo đó, tỉnh này đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, căn cứ đặc điểm sinh học của loài cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác để rà soát, xem xét lại quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác loài cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác sống trong vùng nước tự nhiên theo quy định tại Nghị định số 37/2024 của Chính phủ.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc xem xét lại quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác loài cá ngừ vằn sẽ góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản nhưng không ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân.

“Hiện nay cá thu ngừ vằn kích thước của nó từ 300mm đến 500mm, con cá trên 500mm sản lượng rất thấp chỉ có 15%. Ngư trường chủ yếu là cá từ 300mm-400mm. Vừa rồi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu chỉ đánh bắt loại cá trên 500mm. Việc này, chúng tôi đã có văn bản gửi ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xem xét quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác sống trong vùng nước tự nhiên theo quy định của Nghị định số 37”, ông Tuấn thông tin thêm.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/ngu-dan-gap-kho-khi-khai-thac-ca-ngu-van-chieu-dai-toi-thieu-500mm-a102119.html