Việc xây dựng mối quan hệ giữa các con sau khi chào đón thành viên mới là một trong những mối bận tâm hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh. Họ thường tự hỏi: Làm thế nào để con lớn không cảm thấy bị bỏ rơi khi em nhỏ xuất hiện? Làm sao để các con có thể yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là khi bố mẹ bận rộn?
Gần đây, một đoạn video ghi lại cuộc trò chuyện trong gia đình ca sĩ Đông Nhi và Ông Cao Thắng đã gây sốt trên mạng xã hội. Đoạn clip đặc biệt thu hút sự chú ý của các bà mẹ trẻ, khi Ông Cao Thắng thể hiện sự khéo léo trong việc giáo dục con gái Winnie về cách cư xử với em gái sơ sinh. Hành động này không chỉ cho thấy tình yêu thương mà còn phản ánh khả năng làm cha đầy tâm lý của Ông Cao Thắng, khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Theo đó, trong video bé Winnie luyên thuyên chơi và trò chuyện với em Hannie. Sau đó, nhóc tỳ đã vô tình có hành động nhét vào tay em gái sơ sinh một đồ vật nhỏ. Ngay lập tức, Ông Cao Thắng đã phát hiện ra và đã nhẹ nhàng nhắc nhở ái nữ, giải thích cho con hiểu chứ không hề tỏ thái độ tức giận hay nặng lời.
- Bố Ông Cao Thắng: Ê Winnie, khoan. Con đừng có đưa mấy cục nhỏ nhỏ cho em chơi. Tại vì em không biết, em bỏ vô miệng em nuốt vô luôn á.
- Mẹ Đông Nhi: Đúng không con.
- Winnie: Em lớn thì chị cho em chơi nha.
- Mẹ Đông Nhi: Em có tiếc nuối không em ơi, chưa được chơi đó. Mai mốt em lớn em chơi với chị nha.
Đoạn nói chuyện ngắn giữa vợ chồng Đông Nhi Ông Cao Thắng và cô con gái đầu lòng Winnie chất chứa nhiều tình cảm, cho thấy rõ được cách giáo dục con rất khéo léo và tâm lý của cặp bố mẹ trẻ. Bên dưới đoạn video, người hâm mộ để lại vô số lời khen cho sự đáng yêu, xinh xắn của cả gia đình. Giờ thì nhiều người có thể hiểu được lý do vì sao Winnie dù chỉ mới 4 tuổi nhưng lại rất hiểu chuyện và tình cảm, ra dáng chị gái, biết chăm em và cực kỳ quấn quýt, dành nhiều sự yêu thương cho cô em sơ sinh của mình như thế.
Hiện nay, nhiều gia đình lựa chọn sinh hai con để có thể “đủ nếp, đủ tẻ”, hoặc có anh có em trong nhà sẽ nhộn nhịp và vui vẻ hơn. Hơn nữa, việc sinh em bé tốn khá nhiều thời gian của cha mẹ từ quá trình mang thai, sinh con đến nuôi con lớn... do đó nhiều người chọn sinh hai con liền nhau để “tiện thể” cùng chăm sóc.
Hơn nữa, sinh con quá xa nhau thì lại ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và cách chăm sóc con của mẹ, khiến mẹ có cảm giác “lười sinh con", đồng thời làm giảm sự gần gũi, thân thiết giữa các bé. Vậy, cha mẹ sinh con thứ hai nên giáo dục con cái như thế nào để việc nuôi con không còn quá vất vả? Dưới đây là một số mẹo mà mẹ có thể tham khảo:
Chuẩn bị tâm lý cho “anh chị lớn” trong nhà
Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi bắt đầu có kế hoạch mang thai với những câu hỏi, trò chơi, sự giao tiếp với các gia đình đã có hai con. Nếu trẻ còn bé có thể kể những câu chuyện về gấu con, mèo con, khỉ con có thêm em bé, giúp mẹ chăm sóc em bé. Kể cho con biết ngày xưa con ở trong bụng mẹ như thế nào, khi ra đời thì yếu ớt và cần được bảo vệ như thế nào?
Khi mang thai, mẹ cũng nên để con lớn biết về sự hiện diện của một "đứa em nhỏ" trong bụng mẹ, để con giao tiếp với em bé. Hoạt động này giúp gắn kết tình cảm gia đình vô cùng hiệu quả. Sau khi bé thứ ra đời, hãy để anh, chị của bé được yêu thương chăm sóc em, giao cho con những nhiệm vụ nhỏ như chụp hình cho em, chọn đồ cho em, đưa nôi cho em...
Hãy dành cho trẻ tình yêu như nhau
Một em bé nhỏ hơn chào đời, chắc hẳn người lớn phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc em bé. Điều này không tránh khỏi con lớn có thể cảm thấy bị tổn thương, mẹ không yêu mình nữa, cảm thấy ghen tị với em nhỏ... điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ về mặt tính cách và cả tình cảm dành cho em nhỏ.
Tất nhiên con dù lớn hay dù bé thì cha mẹ đều rất yêu thương, lo lắng cho con. Thế nhưng ở những giai đoạn khác nhau, cha mẹ phải dành nhiều thời gian, công sức để chăm sóc các con. Thế nhưng trẻ lại quá nhỏ để hiểu được điều đó và sẽ không tránh khỏi việc hình thành những suy nghĩ “em bé chào đời cướp đi tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình". Do đó, cha mẹ hãy cố gắng dành tình cảm cho các con như nhau, hãy để trẻ hiểu được sự công bằng, bình đẳng trong tình cảm mà cha mẹ dành cho các con.
Trau dồi ý thức trách nhiệm và sứ mệnh cho anh/chị lớn
Khi trẻ là con đầu lòng, bố mẹ càng yêu chiều nhiều hơn tạo cho bé nếp nghĩ mình là "trung tâm của vũ trụ”. Trẻ không quen với việc san sẻ tình thương và các nhu cầu với bất cứ ai. Rồi bỗng dưng em bé xuất hiện, mọi thứ không còn đúng như quỹ đạo ban đầu mà trẻ đã quen. Do đó, trẻ sẽ khó lòng hiểu được trách nhiệm của một người làm anh chị lớn trong nhà.
Hãy khuyến khích trẻ "ra dáng" một người anh chị lớn, cho trẻ tham gia vào quá trình chăm sóc em bé bằng những công việc nhỏ như lấy quần áo cho em, ru em ngủ, chơi cùng em... trẻ sẽ dần hình thành tinh thần trách nhiệm. Có một em bé nhỏ trong nhà, con sẽ không chỉ yêu quý em hơn sau quá trình dài tiếp xúc mà còn chăm chỉ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cha mẹ giao cho khi làm một người anh, người chị lớn.
Cho phép trẻ em tự chơi với nhau
Việc nuôi dạy hai em bé chưa bao giờ là dễ dàng, mối quan hệ giữa các con cần sự phối hợp và hướng dẫn của cha mẹ, tình cảm của chúng cần sự “củng cố” có chủ đích của cha mẹ. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, cha mẹ hãy để các con tự chơi, tự giải quyết vấn đề của nhau. Khi hai đứa trẻ chơi với nhau, mâu thuẫn là khó lòng tránh khỏi, thế nhưng mẹ đừng vội vã can thiệp vào quá trình “hòa giải" ngay mà hãy để hai con tự giải quyết vấn đề của mình.
Việc này giúp đứa trẻ là anh chị lớn sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc, nhường nhịn em út. Trong khi đó em bé nhỏ hơn sẽ học được cách tôn trọng và quan tâm đến anh chị lớn của mình. Điều này sẽ giúp các con hình thành mối quan hệ tốt hơn, sẵn sàng chăm sóc và bảo vệ nhau sau này. Sau này, khi con cái lớn lên và hiểu chuyện, tình cảm của chúng sẽ thay đổi sâu sắc hơn, biết nương tựa vào nhau khi cần thiết.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/con-gai-dong-nhi-pham-loi-khi-choi-voi-em-so-sinh-ong-cao-thang-lien-co-cach-xu-ly-gay-chu-y-a102045.html