Nguyên nhân tiểu dầm ở người trưởng thành

Rối loạn nội tiết, rối loạn thần kinh, táo bón, di truyền, ngưng thở tắc nghẽn, bệnh tiểu đường là những nguyên nhân gây tiểu dầm ở người trưởng thành.

Tiểu dầm là tình trạng tiểu không tự chủ trong khi ngủ, thường gặp ở trẻ em dưới 6 tuổi, hết khi lớn hơn. BS.CKI Phạm Cao Tháp, Đơn vị Niệu Nữ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết người trưởng thành gặp tình trạng này có thể do một số vấn đề sức khỏe như sau:

Bàng quang tăng hoạt: Hội chứng bàng quang co bóp quá mức ngay cả khi có ít nước tiểu khiến người bệnh thường xuyên muốn đi tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ...

Ngưng thở khi ngủ: Đây là tình trạng hơi thở ngừng lại trong khoảng thời gian ngắn khi ngủ. Sự gián đoạn này làm giảm lưu lượng oxy cung cấp cho cơ thể, dẫn đến giảm khả năng kiểm soát bàng quang, gây tiểu dầm. Các cơn ngưng thở xảy ra thường xuyên thì tình trạng tiểu dầm nghiêm trọng hơn.

Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu tăng cao và không được kiểm soát dẫn đến sản xuất nước tiểu quá mức, thận phải hoạt động nhiều hơn khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên hơn, dễ tiểu dầm hơn.

Mất cân bằng nội tiết tố: Thông thường vào ban đêm, cơ thể tiết ra hormone ADH có tác dụng chống sản xuất nước tiểu, giúp hạn chế số lần đi tiểu khi ngủ. Hormone ADH mất cân bằng dẫn đến tăng sản xuất nước tiểu.

Bác sĩ Cao Tháp tư vấn cho một người bệnh. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Bác sĩ Cao Tháp tư vấn cho một người bệnh. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (UTI): Người bị nhiễm khuẩn thường gặp tình trạng tiểu nhiều lần, khó kiểm soát việc đi tiểu, có thể dẫn đến tiểu không tự chủ vào ban đêm.

Rối loạn thần kinh: Một số rối loạn thần kinh có thể khiến người trưởng thành đi tiểu thường xuyên hơn, thậm chí tiểu không tự chủ vào ban đêm như bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng, rối loạn co giật...

Bàng quang nhỏ: Sức chứa của bàng quang ở một số người thấp hơn người bình thường khiến nhu cầu đi tiểu tăng lên, khó kiểm soát hơn, kể cả vào ban đêm, dẫn đến tiểu dầm.

Táo bón: Người bị táo bón trong thời gian dài ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát bàng quang, có thể dẫn đến tiểu nhiều lần, tiểu són, thậm chí tiểu khi ngủ.

Di truyền: Người có cả bố và mẹ đều bị bệnh tiểu dầm có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.

Ung thư hoặc sỏi hệ tiết niệu: Người mắc ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang hoặc sỏi thận, sỏi bàng quang có thể gặp các triệu chứng rối loạn chức năng đi tiểu như tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ, tiểu dầm về đêm.

Lối sống: Một số thói quen sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát bàng quang và chu kỳ giấc ngủ và gây ra tình trạng này như dùng nhiều đồ uống chứa caffeine, bia rượu; căng thẳng, lo lắng, buồn phiền; rối loạn giấc ngủ; sử dụng thuốc an thần hoặc thuốc điều trị tâm thần; thiếu hoạt động thể chất.

Bác sĩ Cao Tháp khuyên người thường bị tiểu dầm cần đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân để có phương pháp điều trị phù hợp. Tùy nguyên nhân, tiểu không tự chủ ban đêm ở người trưởng thành có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như giảm lượng nước uống buổi tối, không dùng bia rượu, đồ uống chứa caffeine, tập sàn chậu, giảm căng thẳng, dùng thuốc, kích thích thần kinh, phẫu thuật.

Thắng Vũ

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nguyen-nhan-tieu-dam-o-nguoi-truong-thanh-a101480.html