Triển khai bom lượn GBU-39 SDB từ tiêm kích MiG-29: Cải tiến đáng kinh ngạc

Không quân Ukraine được cho là đã triển khai bom lượn GBU-39 SDB trên những chiếc tiêm kích từ thởi Liên Xô của mình, bao gồm MiG-29 (Fulcrum) nhờ cải tiến với các giá treo dưới cánh.

Mỹ sẽ gửi thêm bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB do Boeing sản xuất tới Ukraine để giúp lực lượng không quân của quốc gia Đông Âu tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu của đối phương trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiết lộ "đơn hàng" đang chờ xử lý trong thông báo về một hợp đồng rộng hơn được công bố trực tuyến vào ngày 30/9 trong khuôn khổ chương trình bán thiết bị quân sự cho nước ngoài (FMS) cho Ukraine.

Triển khai bom lượn GBU-39 SDB từ tiêm kích MiG-29: Cải tiến đáng kinh ngạc- Ảnh 1.

Một quả bom SDB đánh trúng một chiếc A-7 đỗ bên trong một hầm chứa máy bay bằng bê tông trong một cuộc thử nghiệm tại Thao trường tên lửa White Sands. Ảnh: Reddit

Bom đường kính nhỏ GBU-39 do Boeing sản xuất – còn được gọi là SDB I (phân biệt với SDB II có tên là StormBreaker và do Raytheon RTX chế tạo) – là loại đạn dược dẫn đường có tầm bắn mở rộng, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm, tầm bắn khoảng 100 km.

Với trọng lượng 130 kg, chiều dài 1,8 m và đường kính 0,9 m, kích thước nhỏ gọn của SDB I cho phép bom được mang bên trong khoang vũ khí của máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom, hoặc có thể giúp tăng tải trọng tổng thể cho nhiều cuộc tấn công độc lập hơn trong mỗi lần xuất kích.

Triển khai bom lượn GBU-39 SDB từ tiêm kích MiG-29: Cải tiến đáng kinh ngạc- Ảnh 2.

Kỹ thuật viên Không quân Mỹ đưa một tổ hợp gồm 4 quả bom lượn GBU-39 SDB vào vị trí tại khu vực lưu trữ đạn dược ở Căn cứ Không quân Al Udeid (Qatar), năm 2020. Ảnh: Air & Space Forces

SDB I sử dụng GPS/INS chống nhiễu tiên tiến và tọa độ mục tiêu được tải trên mặt đất hoặc nhận được từ máy bay trước khi triển khai. Có thể triển khai đồng thời nhiều SDB vào nhiều mục tiêu.

Bộ mục tiêu điển hình của bom lượn GBU-39 bao gồm các boongke chỉ huy, kiểm soát và liên lạc; tài sản phòng không; các địa điểm lưu trữ nhiên liệu; mục tiêu sân bay; mục tiêu cơ sở hạ tầng; tên lửa; pháo binh; và pháo phòng không của đối phương. Đáng chú ý, SDB I có thể xuyên thủng hơn 1 m bê tông cốt thép.

Đương nhiên SDB tương thích với các máy bay chiến đấu phương Tây như F-16 Fighting Falcon do Lockheed Martin sản xuất, hay Saab Gripen của Thụy Điển – những mẫu tiêm kích đã đến Ukraine hoặc đã được cam kết chuyển giao tới tiền tuyến.

Đáng kinh ngạc hơn, Không quân Ukraine được biết là đã triển khai SDB trên những chiếc tiêm kích từ thởi Liên Xô của mình bao gồm MiG-29 (Fulcrum) và Sukhoi Su-27 (Flanker) nhờ cải tiến với các giá treo dưới cánh.

Triển khai bom lượn GBU-39 SDB từ tiêm kích MiG-29: Cải tiến đáng kinh ngạc- Ảnh 3.

Bom lượn GBU-39 SDB được nhìn thấy mang dưới cánh một chiếc tiêm kích MiG-29 của Ukraine nhờ một giá treo đặc biệt có ăng-ten hoặc cảm biến màu trắng ở phía trước. Ảnh: TWZ

Trang The War Zone (TWZ) hồi tháng 7 đưa tin về một bức ảnh được cho là cho thấy bom GBU-39 được mang trên máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine.

Không rõ bức ảnh về chiếc MiG-29 được trang bị GBU-39 được chụp khi nào hoặc ở đâu, nhưng có thể nhìn thấy 3 quả SDB được lắp trên giá treo BRU-61/A tiêu chuẩn, được thiết kế để chứa tối đa 4 quả bom hạng 250 lb này, trang tin quân sự cho hay.

Theo TWZ, quân đội Ukraine lần đầu tiên tiết lộ rằng họ đã bắt đầu sử dụng SDB phóng từ trên không vào tháng 5, trong khi trước đó, Kiev chỉ được biết là đã nhận được SDB phóng từ mặt đất (GLSDB).

Tuy nhiên, GLSDB dường như đã thể hiện quá kém trong thực chiến, và không rõ nó có còn được sử dụng tiếp hay không và sử dụng ở mức độ nào.

Trong bức ảnh SDB khai hỏa từ trên không được nhìn thấy dưới cánh của MiG-29, từ sơ đồ sơn của máy bay, TWZ cho rằng đây là một trong 13 chiếc Fulcrum mà Ukraine nhận được từ Slovakia vào năm ngoái.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Hungary, Ukraine tìm cách cải thiện quan hệ láng giềngHungary, Ukraine tìm cách cải thiện quan hệ láng giềng
Tham khảo thêm
Loại vũ khí giúp thiết giáp “phản đòn” bầy đàn UAV phiền nhiễuLoại vũ khí giúp thiết giáp “phản đòn” bầy đàn UAV phiền nhiễu

Vào giữa những năm 2000, Tập đoàn máy bay Nga-MiG (RAC MiG), hợp tác với Rockwell Collins và BAE Systems tại Mỹ và Vương quốc Anh, đã tích hợp một gói nâng cấp độc đáo vào những chiếc máy bay phản lực cũ kỹ này, bao gồm hệ thống điện tử hàng không, thiết bị liên lạc, hệ thống dẫn đường được cải tiến…

Trong biên chế của Slovakia, các máy bay MiG-29 nâng cấp tiếp tục sử dụng các giá treo tiêu chuẩn. Điều này khiến cho việc giá treo được nhìn thấy trên mẫu máy bay được trang bị SDB ở Ukraine trở thành một điều bí ẩn. 

Ở cấp độ cơ bản nhất, rõ ràng là cần phải có một loại bộ chuyển đổi nào đó để ghép BRU-61/A vào giá treo dưới cánh của Fulcrum.

Những sắp xếp tương tự đã được nhìn thấy trên các máy bay phản lực chiến đấu khác của Ukraine như một phần của quá trình tích hợp các tên lửa và bom dẫn đường chính xác khác của phương Tây vào các nền tảng từ thời Liên Xô.

Nhu cầu về tầm bắn xa khi đối mặt với các mối đe dọa phòng không nghiêm trọng ở cả hai bên trong cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến các loại bom lượn các loại ngày càng trở thành vũ khí được lực lượng không quân Ukraine và Nga lựa chọn.

Nga mới đây đã bắt đầu sử dụng loại bom hạng nặng 6.000 pound dựa trên bom không dẫn đường FAB-3000 và cũng đang sử dụng một thiết kế nhỏ hơn thường được gọi là UMPB D-30SN có nhiều điểm tương đồng với SDB.

Minh Đức (Theo Janes, TWZ)

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/trien-khai-bom-luon-gbu-39-sdb-tu-tiem-kich-mig-29-cai-tien-dang-kinh-ngac-a101244.html