Tuổi tác là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến khả năng thụ thai tự nhiên. Nhờ các công nghệ hỗ trợ sinh sản hiện đại, ngày càng nhiều phụ nữ sinh con sau tuổi 35, thậm chí làm mẹ ở tuổi 50. Phụ nữ ở tuổi này thường có sự ổn định về sự nghiệp và tài chính, có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nếu từng sinh con trước đó. Tuy nhiên, càng lớn tuổi cơ hội làm mẹ càng giảm do hệ sinh sản lão hóa và các bệnh lý nền kèm theo. Thai kỳ cũng đối mặt nhiều rủi ro.
Lượng trứng ở buồng trứng của mỗi phụ nữ là cố định và giảm dần mỗi năm cho đến khi mãn kinh. Theo Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Mỹ, ước tính trung bình một phụ nữ chỉ còn 1.000 tế bào trứng (noãn) khi đến tuổi 51. Đây là sự sụt giảm mạnh so với 500.000 noãn trong thời kỳ dậy thì và 25.000 noãn ở độ tuổi giữa 30.
Lúc này, phụ nữ vẫn có cơ hội thụ thai tự nhiên với số lượng trứng ít hơn nhưng gặp nhiều khó khăn hơn. Chất lượng trứng cũng giảm theo tuổi tác, tăng nguy cơ bất thường về nhiễm sắc thể, khiến khả năng sảy thai sớm cao hơn.
Nguy cơ khi mang thai ở độ tuổi 50 có thể gồm tiền sản giật (biểu hiện đặc trưng là huyết áp cao trong thai kỳ), tiểu đường thai kỳ, thai ngoài tử cung, nguy cơ cao phải sinh mổ, sảy thai, thai chết lưu. Trẻ sinh ra từ người mẹ lớn tuổi cũng có nhiều nguy cơ như khuyết tật trí tuệ, khuyết tật bẩm sinh, bất thường nhiễm sắc thể, chẳng hạn hội chứng Down, sinh nhẹ cân.
Phụ nữ cố gắng thụ thai ở độ tuổi 50 nên đến bác sĩ để được kiểm tra, thực hiện xét nghiệm cần thiết, đánh giá khả năng sinh sản và điều trị phù hợp.
Dùng thuốc
Trước tiên, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc sinh sản để giúp phụ nữ rụng trứng. Điều này hữu ích với phụ nữ tiền mãn kinh, khi chu kỳ kinh nguyệt thưa thớt, không đều đặn. Có trường hợp mang thai thành công sau một thời gian rất ngắn dùng thuốc. Những loại thuốc này có thể làm tăng số lượng trứng trưởng thành giải phóng trong một chu kỳ, do đó tạo ra nhiều cơ hội thụ tinh với tinh trùng hơn.
Thụ tinh ống nghiệm
Trường hợp không thể thụ thai tự nhiên, bác sĩ có thể đề xuất thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Chu trình này bao gồm dùng thuốc kích thích buồng trứng, chọc hút trứng trưởng thành, sau đó thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm để tạo phôi và chuyển phôi trở lại tử cung để phát triển thành bào thai. Bác sĩ thường chọc hút nhiều trứng cùng lúc, vì không phải tất cả đều được thụ tinh thành công.
Kết quả có thể không có, có một hoặc nhiều phôi sau khi hoàn thành một chu kỳ IVF. Phụ nữ 50 tuổi có thể chuyển nhiều hơn một phôi (nếu có) để tăng cơ hội thụ thai thành công. Song, điều này cũng làm tăng nguy cơ mang đa thai. Do chất lượng trứng có thể thấp, người bệnh được khuyến khích làm xét nghiệm di truyền phôi để chọn phôi khỏe mạnh trước khi chuyển vào tử cung, tối đa hóa khả năng IVF thành công.
Sử dụng trứng đông lạnh
Trữ đông trứng khi còn trẻ là biện pháp bảo tồn khả năng sinh sản hiệu quả cho phụ nữ có dự định kết hôn muộn hoặc sinh con muộn. Trứng được chọc hút từ buồng trứng và đem trữ đông vô thời hạn cho đến khi phụ nữ có nhu cầu sinh con.
Trứng được rã đông và thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng, tạo phôi và chuyển vào tử cung như quy trình IVF. Trứng được trữ đông càng sớm thì chất lượng càng cao, tỷ lệ IVF thành công gia tăng. Ngoài ra, phụ nữ tuổi 50 cũng có thể rã đông phôi để mang thai, sinh con, nếu đã tạo phôi và trữ đông từ trước.
Xin trứng hiến tặng
Phụ nữ lớn tuổi bị suy giảm dự trữ buồng trứng, mãn kinh, đã cắt bỏ buồng trứng nhưng có tử cung, từng IVF thất bại nhiều lần với chất lượng trứng hoặc phôi kém, người mang bệnh lý di truyền không thể có con bằng trứng tự thân, có thể xin trứng để có con.
Khi người hiến tặng trứng được xác định đủ điều kiện, họ sẽ trải qua các bước kích thích buồng trứng, chọc hút trứng và tạo phôi như quy trình IVF thông thường. Phôi được tạo ra sẽ chuyển vào buồng tử cung của phụ nữ xin trứng ở chu kỳ tiếp theo.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sau khi một đứa trẻ khỏe mạnh chào đời, những trứng còn lại sẽ hủy. Tất cả quyền và trách nhiệm đối với việc chăm sóc đứa trẻ sinh ra do người xin trứng chịu trách nhiệm, người hiến trứng không được can thiệp.
Phân biệt triệu chứng mang thai và mãn kinh
Xét nghiệm thai kỳ là cách duy nhất để xác định chắc chắn mang thai. Các dấu hiệu mang thai sớm có thể giống với dấu hiệu mãn kinh như thay đổi tâm trạng và mệt mỏi.
Mãn kinh chỉ được xác định khi phụ nữ không có kinh trong 12 tháng liên tiếp. Nếu kỳ kinh không đều, phụ nữ có thể đang ở giai đoạn tiền mãn kinh, khi đó buồng trứng vẫn còn trứng và rất có thể mang thai. Nếu vẫn có kinh nguyệt và đang cố gắng thụ thai, phụ nữ tuổi 50 nên theo dõi chu kỳ kinh và thử thai nếu bị trễ kinh. Ốm nghén là dấu hiệu mang thai sớm khác không xảy ra khi mãn kinh.
Khi cơ thể già đi, thai phụ có thể gặp các triệu chứng khó chịu hơn khi mang thai lúc còn trẻ như mệt mỏi, đau nhức cơ, đau khớp, phù chân, cáu kỉnh và trầm cảm. Phụ nữ 50 tuổi cũng có những rủi ro cần cân nhắc liên quan đến chuyển dạ, sinh nở, nhiều khả năng phải sinh mổ do tuổi tác và các phương pháp điều trị vô sinh trước đó.
Một lý do khác phải sinh mổ là nhau tiền đạo, tình trạng nhau thai che phủ cổ tử cung. Khả năng sinh non cũng cao hơn. Nếu sinh thường, thai phụ cần được theo dõi chặt chẽ nguy cơ chảy máu.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/lam-the-nao-co-con-o-tuoi-50-a101235.html