Dấu hiệu nào cho thấy trẻ bị mộng du?

Con trai tôi 8 tuổi, ngủ đêm hay nói mơ và đi lại trong vô thức, có phải con bị mộng du không? Chẩn đoán và điều trị cho bé thế nào? (Bảo Châu, TP HCM)

Trả lời:

Mộng du là dạng rối loạn giấc ngủ, trong đó người bệnh có các cử chỉ, lời nói hoặc hét lên khi đang ngủ. Mộng du thường xảy ra sau khi chìm vào giấc ngủ khoảng 1-2 giờ. Một số trường hợp cũng có thể diễn ra trong nhiều giờ. Trẻ thường xuyên thay đổi lịch ngủ, căng thẳng do học tập, các mối quan hệ, chưa thích nghi với môi trường sống mới, chuyển nhà, đổi phòng ngủ... có khả năng bị mộng du.

Tình trạng này cũng có thể gặp ở thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành thường xuyên thay đổi lịch ngủ, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, lo âu quá mức, trầm cảm hoặc mắc các bệnh thần kinh khác. Người uống rượu bia, hút thuốc lá, lạm dụng chất kích thích thần kinh hoặc có người thân thường mộng du có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ dạng này cao hơn.

Một số trường hợp mộng du không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, có thể bị căng thẳng, lo âu, trầm cảm, suy nhược cơ thể, giảm tập trung, trí nhớ. Nếu không có biện pháp đảm bảo an toàn, người bệnh có nguy cơ gây tai nạn thương tích hoặc hành vi nguy hiểm khác cho bản thân hoặc người xung quanh.

Bạn nên đưa con đến chuyên khoa thần kinh để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị, tránh để lâu ảnh hưởng đến sức khỏe. Dựa trên kết quả khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu nhằm kiểm tra chính xác tình trạng của con bạn có phải mộng du hay không.

Hiện, kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ là phương pháp để chẩn đoán mộng du và các bệnh liên quan rối loạn giấc ngủ. Kỹ thuật này dựa trên hoạt động sinh lý giấc ngủ, không xâm lấn, không gây đau, có thể áp dụng cho trẻ em.

Hệ thống đo đa ký giấc ngủ có nhiều kênh điện cực gồm 8 điện cực điện não, 2 điện cực mắt, 3 điện cực cơ cằm, 4 điện cực chân, 2 điện cực tim và camera quan sát biểu hiện hành vi, ghi âm tiếng động của người bệnh trong giấc ngủ.

Đo đa ký giấc ngủ cho bệnh nhi tại Bệnh viện Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đo đa ký giấc ngủ cho bệnh nhi tại Bệnh viện Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nếu kết quả đo đa ký có nhiễu sóng điện cơ, kèm theo camera ghi nhận biểu hiện bất thường trong giấc ngủ, đồng nghĩa con bạn có nguy cơ mắc bệnh mộng du. Tùy tần suất xảy ra mộng du hoặc mức độ nghiêm trọng, bác sĩ điều trị phù hợp như điều chỉnh thói quen sống, tư vấn tâm lý hoặc sử dụng thuốc. Bác sĩ tư vấn phụ huynh các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ mộng du và người xung quanh.

Trẻ từ 12 tuổi trở lên, người lớn có thể sử dụng các tinh chất thiên nhiên từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) giúp tăng cường máu lên não, cải thiện chức năng thần kinh. Từ đó, chúng hỗ trợ giảm căng thẳng, tránh đau đầu và mất ngủ, giảm nguy cơ mộng du.

ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính
Chuyên khoa Thần kinh
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/dau-hieu-nao-cho-thay-tre-bi-mong-du-a100963.html