Nhồi máu não - bệnh khiến diễn viên 'The Glory' đột ngột qua đời

Hàn QuốcPark Ji Ah tử vong tại Trung tâm Y tế Asan, hưởng dương 52 tuổi do đột quỵ thiếu máu cục bộ, còn gọi nhồi máu não.

Diễn viên Hàn Quốc Park Ji Ah, được biết đến trong bộ phim The Glory, qua đời vào rạng sáng 30/9. Công ty quản lý xác nhận thông tin, cho biết nguyên nhân tử vong là đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Đột quỵ thiếu máu cục bộ (còn gọi nhồi máu não) xảy ra khi mạch máu não bị chít hẹp hoặc tắc nghẽn do cục máu đông (huyết khối), làm cản trở quá trình lưu thông máu đến não. Lúc này, những khu vực não không được máu đến nuôi dưỡng sẽ bị tổn thương, ngừng hoạt động và chết đi. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm khoảng 85% tổng số ca đột quỵ.

Bệnh thường gặp ở người có vấn đề về tuần hoàn máu não, thường liên quan đến tuổi tác. Khoảng hai phần ba số ca đột quỵ xảy ra ở người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, người trẻ tuổi vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Nữ diễn viên Park Ji Ah qua đời ngày 30/9 do đột quỵ thiếu máu cục bộ. Ảnh: Billions

Nữ diễn viên Park Ji Ah qua đời ngày 30/9 do đột quỵ thiếu máu cục bộ. Ảnh: Billions

Triệu chứng

Các triệu chứng của đột quỵ do thiếu máu cục bộ bao gồm: yếu hoặc liệt một bên người; khó nói hoặc mất khả năng nói (aphasia); nói lắp hoặc không thể hiểu lời người khác (dysarthria); mất kiểm soát cơ mặt, một bên hoặc mặt xệ xuống; mất cảm giác đột ngột một phần hoặc toàn bộ giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác).

Một số người bệnh bị mờ mắt hoặc hoa mắt (diplopia); tứ chi không thể phối hợp, người bệnh trở nên vụng về (ataxia). Số khác có biểu hiện buồn nôn và nôn, cứng cổ, mất ổn định cảm xúc và thay đổi tính cách. Họ trở nên lú lẫn hoặc kích động, mất trí nhớ (amnesia), đau đầu (thường đột ngột và dữ dội), ngất xỉu, hôn mê.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường liên quan đến một số tình trạng cụ thể. Bệnh nhân bị hình thành cục máu đông trong não. Một mảnh cục máu đông khu trú ở nơi khác trong cơ thể vỡ ra và di chuyển theo mạch máu đến não, gây tắc nghẽn mạch máu nhỏ.

Cục máu đông và các dạng thiếu máu cục bộ khác có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn xơ vữa động mạch, rối loạn đông máu, rung nhĩ (đặc biệt khi xảy ra do ngưng thở khi ngủ), dị tật tim (thông liên nhĩ hoặc thông liên thất),...

Một số tình trạng không trực tiếp gây đột quỵ, nhưng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm thói quen sử dụng rượu, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường type 2, hút thuốc lá, rượu...

Chẩn đoán và điều trị bệnh

Bác sĩ có thể chẩn đoán đột quỵ bằng cách kết hợp khám thần kinh, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm khác. Trong quá trình khám, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân cử động tay, chân, mắt và đầu theo các cách cụ thể, đồng thời trả lời một số câu hỏi. Qua đó, họ tìm kiếm các dấu hiệu bất thường của các vùng não khác nhau.

Các bệnh nhân cũng được yêu cầu chụp cắt lớp, xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu tổn thương tim, kiểm tra khả năng đông máu và lượng đường trong máu, kiểm tra chức năng thận và gan, điện tâm đồ, chụp cộng hưởng từ, điện não đồ.

Ưu tiên hàng đầu trong điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ là tái lập tuần hoàn máu đến các vùng não bị ảnh hưởng. Việc tái thông máu nhanh chóng có thể hạn chế tổn thương và bảo tồn mô não. Tổn thương não vĩnh viễn càng ít, khả năng phục hồi các chức năng trước khi đột quỵ càng cao.

Phương pháp điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ phụ thuộc vào thời gian kể từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Đó là lý do tại sao việc cấp cứu ngay khi có triệu chứng đột quỵ là vô cùng quan trọng.

Thuốc tiêu huyết khối là một lựa hợp lý chọn trong vòng ba đến 4,5 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ. Tuy nhiên, nếu dùng sau khoảng thời gian đó, chúng làm tăng nguy cơ biến chứng chảy máu nguy hiểm.

Thục Linh (Theo All Kpop, Mayo Clinic, Clevelandn Clinic)

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nhoi-mau-nao-benh-khien-dien-vien-the-glory-dot-ngot-qua-doi-a100962.html