Bé gái bị áp xe ruột thừa

TP HCMBé Lam, 14 tuổi, đau bụng âm ỉ hơn một tuần, đau dữ dội lúc nửa đêm, bác sĩ cấp cứu chẩn đoán áp xe ruột thừa.

Ngày 30/9, BS.CKI Nguyễn Thanh Sơn Vũ, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ngoài đau bụng, bệnh nhi sốt nhẹ, chán ăn, máu bị nhiễm trùng nặng. Ổ áp xe hình thành trong ruột thừa, tích tụ nhiều vi khuẩn.

Êkíp rạch một đường nhỏ trên bụng bệnh nhi, đưa ống kính nội soi gắn camera độ phân giải cao qua trocar (ống thông hoặc ống bọc ngoài) vào ổ bụng. Sau đó êkíp điều khiển các dụng cụ phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa.

Bác sĩ mất nhiều thời gian gỡ áp xe do ruột thừa bị vỡ khiến mạc nối bọc mủ xung quanh và dịch viêm dính vào nhau, lẫn với máu. Sau 4 giờ, bác sĩ cắt ruột thừa rồi khâu lại, đặt ống dẫn lưu để đưa dịch mủ, thức ăn thừa ra ngoài, tránh tụ dịch sau mổ. Ba ngày sau, bé được rút ống dẫn lưu, tiêm đủ kháng sinh và theo dõi sau mổ.

Mẹ bé cho biết trước đó bé thường xuyên đau bụng lâm râm, nhưng vẫn sinh hoạt bình thường nên không đi khám. Bác sĩ Vũ lý giải ban đầu khi ruột thừa vỡ, người bệnh ít đau nên dễ chủ quan. Tuy nhiên đây là dấu hiệu nguy hiểm, cần can thiệp nhanh chóng để tránh tình trạng nhiễm trùng lan rộng.

Áp xe trong ruột hình thành khi ruột bị vỡ, viêm mủ khiến thức ăn bám vào thành ruột. Bệnh lý này cần điều trị bằng can thiệp ngoại khoa. Nếu được phát hiện sớm khi chưa vỡ ruột thừa thì sẽ mổ nhanh chóng, thời gian hồi phục và nằm viện ngắn hơn.

Bác sĩ Vũ khám cho bệnh nhân sau khi tháo ống dẫn lưu. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Vũ khám cho bệnh nhân sau khi tháo ống dẫn lưu. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Với trường hợp của bé Lam, vì để bệnh kéo dài hơn một tuần, ruột đã vỡ nên cần phải mổ gấp trong đêm để loại bỏ hoàn toàn ổ áp xe, kết hợp dẫn lưu dịch mủ. Nếu không phẫu thuật, áp xe ruột thừa sẽ phát triển gây nhiễm trùng nặng, khiến phân tràn khắp ổ bụng, tăng sinh vi khuẩn, dẫn đến sốc nhiễm trùng, tử vong.

Áp xe ruột là biến chứng của viêm ruột thừa cấp. Đây là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ. Bệnh thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi 10-19. Trẻ có các biểu hiện như đau ở vùng bụng dưới bên phải, tiêu chảy, ăn không ngon, buồn nôn hoặc nôn kèm suy nhược, ớn lạnh, sốt cao, đầy bụng, cần đến cơ sở y tế gần nhất cấp cứu kịp thời.

Đình Lâm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/be-gai-bi-ap-xe-ruot-thua-a100932.html