Ngày 30/9, bác sĩ Nguyễn Văn Quân, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mũi chảy nhiều máu đỏ tươi, phần da bụng phỏng.
Theo người nhà, hồi tháng 8, chàng trai đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương khám, kết luận bị ung thư máu. Tuy nhiên, thay vì điều trị, bệnh nhân về quê và tự áp dụng phương pháp dân gian là bôi và đắp thuốc lên bụng, sau đó úp bát có hơi nóng, kèm tiêm thuốc không rõ nguồn gốc.
Sau điều trị tại nhà, cơ thể bắt đầu xuất hiện những tổn thương dạng bỏng hơi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt. Bệnh nhân còn có dấu hiệu chảy máu mũi từng đợt, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau tức bụng nên gia đình đưa đi cấp cứu. Các xét nghiệm máu cho thấy tình trạng nguy hiểm, chỉ số tiểu cầu và bạch cầu bất thường.
Bác sĩ điều trị triệu chứng các tổn thương ngoài da, cầm máu mũi, chăm sóc dinh dưỡng, nhưng do tình trạng nặng nên tiên lượng tử vong cao.
Bác sĩ Quân cảnh báo việc không tuân thủ điều trị, tự ý làm theo phương pháp phản khoa học là vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, thận, có hệ miễn dịch kém, khi tự điều trị bằng phương pháp chưa được kiểm chứng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tính mạng.
"Với bệnh nhân trên, nếu tuân thủ điều trị, bệnh có thể sẽ không tiến triển nặng, kéo dài được thời gian sống. Tuy nhiên, khi tự chữa, ngoài có thêm các tổn thương ngoài da, bệnh ung thư máu sẽ nặng nề", bác sĩ cho hay.
Ung thư máu cấp tính là sự tăng sinh nhanh chóng các tế bào non ác tính (tế bào blast) trong tủy xương, lan tràn ra máu ngoại vi và tích lũy trong các cơ quan khác. Những tế bào bất thường này không thể chống lại nhiễm trùng và làm suy yếu khả năng tạo ra các tế bào hồng cầu, tiểu cầu bình thường của tủy xương.
Bệnh nhân được kết hợp điều trị bằng nhiều phương pháp bao gồm hóa trị liệu, thuốc miễn dịch, thuốc nhắm đích, xạ trị, ghép tế bào gốc...
Thúy Quỳnh
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nguy-kich-sau-khi-dung-giac-hoi-chua-ung-thu-mau-a100925.html