Theo cuộc khảo sát năm 2022, 50% số người được hỏi cho biết họ dự định đi du lịch cùng bạn bè trong 12 tháng tới. Ảnh: Pixabay. |
Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Paul Heng - người sáng lập tổ chức tư vấn nguồn nhân lực NeXT Career Consulting Group (Singapore) - cùng bạn diễn ra trước đại dịch Covid-19.
“Mọi chuyện bắt đầu khi vợ tôi, Jane, thúc giục tôi lên kế hoạch cho chuyến đi đến Bhutan cùng bạn mình - tiến sĩ Mohan Kumar - vì cô ấy không muốn đi”, anh kể lại.
Giống Paul Heng, nhiều người trên thế giới đang có xu hướng đi các “kỳ nghỉ với bạn bè” (friend-cations).
Theo cuộc khảo sát năm 2022 với hơn 10.000 người đến từ 12 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, 50% cho biết họ dự định đi du lịch với bạn bè trong 12 tháng tới.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty du lịch trực tuyến Agoda và công ty phân tích dữ liệu, nghiên cứu thị trường YouGov.
Tuy nhiên, Paul Heng cho hay một người bạn tốt đã cảnh báo vợ chồng anh rằng bạn bè có thể trở thành “kẻ thù" sau chuyến du lịch cùng nhau.
“Những lời này để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi”, anh chia sẻ. “Vợ chồng tôi quý trọng bạn bè, nhưng nhiều điều không như ý muốn có thể xảy ra khi bạn đi du lịch cùng nhau. Điều này đặc biệt đúng khi mỗi người đều có tính cách, nhu cầu và mong muốn riêng”.
Sau 5 kỳ nghỉ cùng bạn bè đến Bhutan, Nhật Bản, Phuket (Thái Lan) và Trung Quốc, Paul Heng đã chia sẻ với Straits Times một số mẹo để có chuyến đi suôn sẻ.
Paul Heng (trái) đi du lịch cùng bạn đến Bhutan vào năm 2019. Ảnh: Paul Heng. |
Thỏa thuận về điểm đến và ngân sách
Quyết định đầu tiên và quan trọng nhất khi lên kế hoạch cho chuyến "friend-cation" là điểm đến. Theo Paul Heng, vì lịch trình làm việc của mỗi cá nhân khác nhau, điểm đến gần cùng thời gian lưu trú tối đa trong một tuần có thể dễ đạt được sự thống nhất hơn.
“Khi tiến sĩ Kumar và tôi lên kế hoạch cho chuyến đi Bhutan, chúng tôi thống nhất về ngân sách, sau đó tìm kiếm gói du lịch phù hợp”, anh cho hay.
Tuy nhiên, một người bạn khác - người mà Paul Heng từng cố gắng thuyết phục đi cùng - cho rằng nó quá đắt.
"Với mức giá này, tôi có thể thực hiện chuyến đi tương tự với chi phí ít hơn 50%", người này nói.
“Nhìn lại, có lẽ là điều tốt khi anh ấy không tham gia cùng chúng tôi”, Heng cho biết. “Với thói quen chi tiêu khác nhau, chúng tôi có thể tranh cãi về các vấn đề như ăn ở đâu, vì một số bữa ăn không được bao gồm trong gói”.
Việc chọn điểm đến đáp ứng được nhiều sở thích khác nhau cũng sẽ hữu ích.
Vào tháng 5/2022, anh và vợ đã đến khu nghỉ dưỡng Club Med Phuket cùng một cặp đôi khác.
“Club Med là lựa chọn an toàn… vì dịch vụ ăn uống và chỗ ở đều đã nằm trong gói”, anh kể lại.
Theo anh, những bữa ăn buffet sẽ giúp ngăn chặn mọi tranh cãi về nơi ăn uống, và họ cũng "có thể lựa chọn thoải mái những hoạt động mà mình muốn tham gia" vì mọi thứ đều nằm trong khuôn viên.
Sẵn sàng thỏa hiệp
Sự khác biệt trong sở thích là điều tất yếu nhưng một sự thỏa hiệp hợp lý sẽ là cầu nối giúp mọi người gắn kết nhau hơn, Paul Heng gợi ý.
Paul Heng và bạn - tiến sĩ Kumar - rất hợp nhau trong chuyến đi đến Bhutan vì họ có sở thích tương tự. Ảnh: Paul Heng. |
Anh kể lại trong chuyến đi đến Bali vào tháng 8/2022, vợ chồng anh cùng bạn đã thử nghỉ tại khách sạn Buahan, a Banyan Tree Escape
“Thật là trải nghiệm tuyệt vời khi được ngủ qua đêm trong villa không có cửa sổ và tường”, anh mô tả.
Tuy nhiên, trong chuyến đi đến Hokkaido (Nhật Bản) vào tháng 6/2023 với cặp đôi khác, cả hai phải thỏa hiệp về việc lựa chọn khách sạn.
“Họ cho rằng chúng tôi sẽ ra ngoài gần như cả ngày và chỉ cần một chiếc giường vào ban đêm, nên họ thích chỗ ở hạng trung hơn”, Heng cho hay.
Theo anh, khả năng chi trả không phải là vấn đề ở đây, mà là sở thích. “Vì vậy, chúng tôi đã thỏa hiệp về lựa chọn khách sạn mà chúng tôi ở”, anh nói.
Không gian riêng tư
Du lịch cùng bạn bè không có nghĩa bạn phải dành toàn bộ thời gian bên nhau.
Trong chuyến đi giữa các cặp đôi, Heng thích có một khoảng thời gian riêng cùng với vợ mình, Jane.
“Chúng tôi có thể đến địa điểm tham quan hoặc dùng bữa ăn ở các nhà hàng khác nhau một, hai lần”, anh nói.
Theo Heng, sự tự phát là điều tốt và không thể tránh trong các chuyến du lịch.
“Bạn bè và tôi đồng ý rằng nếu hành trình của chúng tôi khác nhau thì đó chỉ là tạm thời, không liên quan gì đến việc không muốn ở bên bạn bè”, anh chia sẻ.
Heng kể lại trong chuyến đi đến Nhật Bản vào tháng 7/2023, vợ chồng anh dùng bữa hầu hết cùng với bạn đồng hành, và chỉ tách ra 2 lần khi sở thích của các bên khác nhau.
Vấn đề tiền bạc
Quản lý tài chính trong chuyến đi là yếu tố quan trọng để tránh tình huống khó xử.
Có nhiều cách khác nhau để quản lý chi phí trong chuyến đi, bao gồm Splitwise - website và ứng dụng giúp chia nhỏ hóa đơn.
“Vào đầu kỳ nghỉ, tôi và bạn bè lập một quỹ tiền mặt chung, sau đó hai bên đều cho vào khoản tiền như thỏa thuận”, Heng kể lại. “Một trong chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm thanh toán trong suốt chuyến đi, như vé máy bay, vé tàu, khách sạn và bữa ăn. Tất cả chi phí được chia đều”.
Điều này nhằm tránh tình huống khó xử khi một bên phải trả nhiều tiền hơn. “Tất nhiên, chúng tôi có ngoại lệ như tiệc sinh nhật, khi chúng tôi đãi bạn bè một bữa”, anh nói thêm.
Du lịch cùng bạn bè không có nghĩa bạn phải dành toàn bộ thời gian bên nhau. Ảnh: Pixabay. |
Đề cao sự thoải mái
Đối với Heng, những cuộc gọi đánh thức vào buổi sáng là điều anh cảm thấy khó chịu nhất.
Du lịch là lúc để thư giãn và tận hưởng, nên vợ chồng anh luôn duy trì tinh thần tự do, thoải mái trong các kỳ nghỉ.
“Tôi không thích cuộc trò chuyện bắt đầu bằng câu: ‘Ngày mai mấy giờ thế?’. Đối với tôi, chúng thuộc về thời kỳ chúng ta đi du lịch theo tour”, anh nói.
Heng chia sẻ rằng “nỗi đau” của anh khi đi du lịch theo tour là thông báo cuối ngày của trưởng đoàn về thời gian thức dậy, thời gian xuống phòng ăn sáng và thời gian lên xe.
“Giờ đây, tôi đi nghỉ theo nhịp độ của riêng mình. Tôi thích thức dậy khi mình muốn, ăn sáng khi cảm thấy đói và bắt đầu ngày mới khi đã sẵn sàng”, anh cho hay.
“Đôi khi, tôi có thể tự thức dậy lúc 6h. Nhưng thỉnh thoảng, tôi muốn nằm dài trên giường và ăn sáng trong phòng”, anh nói thêm.
Heng cho biết anh sẽ nói trước về sở thích này với bạn đồng hành và vào những buổi sáng như vậy, họ sẽ tự nhiên thưởng thức bữa sáng mà không có vợ chồng Heng.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/lam-sao-de-khong-tan-dan-xe-nghe-sau-ky-nghi-dai-a100601.html