Mối liên quan giữa gout và bệnh thận

Thận bài tiết axit uric kém có thể dẫn đến bệnh gout, ngược lại lượng axit uric dư thừa cũng góp phần phát triển bệnh thận.

Bệnh gout và bệnh thận mạn tính thường xảy ra đồng thời, đều liên quan đến lượng axit uric trong cơ thể và bệnh này có thể góp phần gây ra bệnh kia.

Gout là một loại viêm khớp xuất phát từ tình trạng tăng axit uric máu. Axit uric được tạo ra từ quá trình phân hủy purine có trong một số loại thực phẩm. Bệnh gout có thể phát triển nếu cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric, không bài tiết đủ axit uric, hoặc cả hai nguyên nhân. Phần lớn trường hợp mắc gout là do bài tiết axit uric qua nước tiểu bị suy yếu gây tăng axit uric máu.

Khoảng 2/3 lượng axit uric trong cơ thể được lọc qua thận và phần còn lại qua đường tiêu hóa. Bệnh thận cấp tính hoặc mạn tính có thể làm suy yếu khả năng bài tiết axit uric của thận, góp phần gây ra gout. Ngược lại, người bị gout cũng dễ mắc bệnh thận hơn. Một số nghiên cứu cho thấy nồng độ axit uric cao ở người bệnh gout có thể hại thận, góp phần vào sự phát triển và tiến triển của bệnh thận.

Một nghiên cứu năm 2018 tại Anh trên hơn 4.000 bệnh nhân phát hiện ra rằng, sau khi điều chỉnh các yếu tố như tuổi tác, giới tính và các vấn đề sức khỏe khác, người bệnh gout có khả năng mắc bệnh thận mạn tính từ giai đoạn ba trở lên cao hơn 1,78 lần so với những người không mắc gout. Bệnh thận mạn tính giai đoạn ba là mức độ trung bình.

Mối liên hệ giữa hai bệnh lý còn có thể được giải thích bởi có nhiều yếu tố nguy cơ chung như huyết áp cao, bệnh tiểu đường, béo phì, sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Tuy nhiên, người mắc gout không chắc chắn sẽ bị bệnh thận.

Gout có thể gây đau ở các khớp trên cơ thể như đầu gối, tay, chân. Ảnh: Minh Minh

Gout có thể gây đau ở các khớp trên cơ thể như đầu gối, tay, chân. Ảnh: Minh Minh

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh gout là đau, sưng, nóng, đỏ ở khớp bị ảnh hưởng, phổ biến nhất là ngón chân cái. Các cơn bùng phát của gout thường xảy ra ở một khớp và thường cải thiện sau 1-2 tuần.

Trong khi đó, bệnh thận giai đoạn đầu thường không gây ra triệu chứng vì thận thường có thể tự bù đắp khi chức năng bị suy yếu. Ở giai đoạn sau, người bệnh thường bị sụt cân không chủ ý và chán ăn, phù nề nhất là ở phần thân dưới, khó thở, mệt mỏi, tiểu máu, đi tiểu thường xuyên, mất ngủ, ngứa da, chuột rút cơ, buồn nôn, đau đầu...

Giảm lượng purine hấp thụ từ thực phẩm có thể hạ mức axit uric trong cơ thể, ngăn ngừa và kiểm soát triệu chứng gout. Người bệnh nên tránh những thực phẩm có nhiều purine như rượu bia, thịt đỏ, nội tạng động vật, một số loại cá, hải sản có vỏ.

Người bệnh thận cũng nên ăn nhiều thực phẩm tươi, ít natri, ăn ít protein, chọn thực phẩm và dầu tốt cho tim, hạn chế rượu bia. Người bệnh nên đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh thận hoặc phát triển cơn đau khớp đột ngột và dữ dội.

Anh Ngọc (Theo Healthline)

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/moi-lien-quan-giua-gout-va-benh-than-a100350.html