Bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây mưa mũ, ngập lụt diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, dù bão đã đi qua nhưng theo các chuyên gia y tế, người dân vẫn phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm.
Theo đó, sau lũ môi trường thường ẩm ướt, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển, truyền bệnh, dễ xảy ra sốt xuất huyết.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 13 đến 19/9, toàn thành phố ghi nhận 285 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 57 ca so với tuần trước.
Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vào thời điểm hiện tại, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho hay bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng số ca mắc thường tăng lên vào mùa mưa.
Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm được coi là giai đoạn "nóng" của dịch sốt xuất huyết do thời tiết ẩm, mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi và phát triển.
Hiện, Hà Nội đã bắt đầu bước vào đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều.
Kết quả giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, điều quan trọng nhất để tránh sốt xuất huyết là sau khi mưa lũ và ngập lụt đi qua, người dân cần kiểm tra các ổ muỗi hoặc dụng cụ chứa nước trong gia đình.
"Người dân không nên lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác không đề phòng sốt xuất huyết", BS.Thiệu nhấn mạnh.
Đồng thời, vị bác sĩ cho biết khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết người bệnh cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm báo chất lượng để được điều trị kịp thời.
TS. Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương chia sẻ thêm nguyên nhân gây phát sinh sốt xuất huyết sau bão lũ là do vi sinh vật, chất thải theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường.
"Môi trường sau lũ, ẩm ướt là cơ hội cho muỗi sinh sản nhiều hơn, mật độ muỗi sẽ cao hơn, khả năng tiếp xúc giữa muỗi và con người sẽ gần nhau hơn. Như vậy, chỉ cần có tác nhân sốt xuất huyết thì khả năng sẽ gây bùng phát dịch rất lớn", ông Dũng nói và cho biết nguyên nhân nữa làm tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết cũng có thể do sự chủ quan của người dân. Có thể quên kiểm tra các ổ muỗi hay dụng cụ chứa nước của gia đình.
Theo TS.Dũng, việc người dân sử dụng hóa chất diệt côn trùng chỉ phục vụ khi có ổ dịch. Sau đó, nếu vẫn có những ổ bọ gậy thì ngày hôm sau muỗi vẫn sinh sản bình thường.
Để phòng chống sốt xuất huyết, các chuyên gia y tế khuyến cáo cách tốt nhất chính là chống ổ muỗi và bọ gậy. Đồng thời, thực hiện vệ sinh, diệt loăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn từ cơ quan y tế.
"Vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ không cần thiết để tránh nước đọng vô tình thành ổ đẻ cho muỗi", ông Dũng cho hay.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, cách phòng bệnh là ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày; diệt lăng quăng, bọ gậy, xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi đẻ trứng.
Phun hoá chất diệt muỗi ở các nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng như của cả nước hiện nay, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại một số quận, huyện có số mắc cao thời gian qua.
Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt.
Các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó);
Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường…
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/sot-xuat-huyet-o-ha-noi-tiep-tuc-tang-chuyen-gia-chi-nguyen-nhan-a100293.html