Nhiễm vi khuẩn, bé trai bị áp xe hậu môn

Admin

TP HCMBé trai 9 tuổi bị sưng đau, viêm nhiễm vùng hậu môn kèm rỉ dịch, bác sĩ chẩn đoán áp xe do vi khuẩn.

Kết quả siêu âm và MRI tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy bé bị tổn thương ở vùng hậu môn đã bị mô viêm hóa áp xe, có đường rò 7x5x10 mm. Ngày 29/11, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, cho biết áp xe hậu môn xảy ra khi người bệnh bị nhiễm trùng, dẫn đến mưng mủ trong các khoang, lỗ nhỏ của trực tràng. Nguyên nhân chính gây áp xe ở trẻ thường là vi khuẩn đường ruột gram âm, vi khuẩn tụ cầu. Trường hợp bé Bảo áp xe do vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Streptococcus và Escherichia coli... xâm nhập.

Áp xe hậu môn không được can thiệp kịp thời có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng huyết, xuất hiện đường rò vào đường hậu môn, niệu đạo. Nhiều trường hợp tiến triển thành lỗ rò, gây rỉ mủ mạn tính, dẫn đến nhiễm trùng, tăng số lượng lỗ rò và nguy cơ ung thư trực tràng, suy giảm chất lượng cuộc sống.

Bác sĩ Trọng đánh giá bé Bảo may mắn phát hiện sớm, lỗ rò chưa đi vào đường niệu đạo hay đại tràng nên có thể xử lý nhanh. Êkíp phẫu thuật trong 60 phút lấy trọn ổ áp xe, cắt bỏ đường rò bên cạnh niệu đạo, bơm thuốc vào đường trực tràng kiểm tra tránh bỏ sót. Sau mổ, bé ăn uống bình thường, xuất viện trong ngày.

Kết quả siêu âm cho thấy hậu môn bệnh nhân xuất hiện ổ viêm đã áp xe hóa kèm đường rò. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Kết quả siêu âm bên trái và phải cho thấy hậu môn bệnh nhân xuất hiện ổ viêm đã áp xe hóa kèm đường rò. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Người nhà có thể nhận biết trẻ bị áp xe hậu môn qua một số dấu hiệu như ngứa vùng hậu môn, có khối u cứng xung quanh khu vực này kèm tụ dịch mủ. Một số trẻ còn bị đau nhức cơ thể, mệt mỏi, sốt cao... Lúc này bệnh tiến triển đến nặng, cần đi khám để điều trị.

Bác sĩ Trọng cho biết điều trị cho trẻ dưới 18 tháng tuổi thường là vệ sinh tại chỗ, ngâm rửa hậu môn, trích dẫn lưu mủ, dùng kháng sinh đường uống. Trẻ trên 18 tháng tuổi được phẫu thuật dẫn lưu áp xe hậu môn. Hậu phẫu, áp xe có thể tái phát, vì vậy bác sĩ kê đơn kháng sinh chống nhiễm khuẩn.

Bác sĩ hướng dẫn vệ sinh vết mổ bằng cách ngâm hậu môn trong nước ấm khoảng 5 phút sau mỗi lần trẻ đi đại tiện, thường xuyên thay tã lót, mặc quần áo sạch sẽ để tránh tái nhiễm trùng, viêm nhiễm. Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường, phụ huynh nên liên hệ với bác sĩ.

Trẻ cần giữ hậu môn khô ráo giúp giảm vi khuẩn xâm nhập để phòng ngừa bệnh. Trẻ nên ăn uống đầy đủ chất xơ, bổ sung vitamin, khoáng chất thiết yếu, hạn chế táo bón.

Đình Lâm

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp